• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả Trục liên thông văn bản quốc gia

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Trục liên thông).

05/03/2021 17:37

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, Trục liên thông là nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia (dân cư; đất đai; tài chính; đăng ký doanh nghiệp; bảo hiểm; cán bộ công chức, viên chức và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác), cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công…

Đơn vị có nhu cầu kết nối với Trục liên thông gửi yêu cầu, đề nghị kết nối tới cơ quan quản lý, vận hành Trục liên thông. Cơ quan quản lý, vận hành Trục liên thông đánh giá việc chuẩn bị hạ tầng, mạng, ứng dụng, bảo mật của đơn vị yêu cầu kết nối để quyết định việc kết nối tới Trục liên thông.

Cơ quan yêu cầu kết nối chuẩn bị các điều kiện bảo đảm theo hướng dẫn của cơ quan quản lý, vận hành Trục liên thông. Sau khi chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, đơn vị yêu cầu kết nối có thể thực hiện kết nối thử nghiệm tới Trục liên thông. Sau thời gian kết nối thử nghiệm, thực hiện kết nối chính thức theo thoả thuận giữa đơn vị yêu cầu kết nối và cơ quan quản lý, vận hành Trục liên thông. 

Cơ quan quản lý, vận hành Trục liên thông cung cấp danh sách các đơn vị kết nối tới Trục liên thông, các đơn vị đã đăng ký mã định danh trên Trục liên thông, danh sách các dịch vụ kết nối, chia sẻ trên Trục liên thông theo thời gian thực. Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức đã kết nối cập nhật danh sách mã định danh các cơ quan, tổ chức mới nhất trên hệ thống thông tin của mình, bảo đảm đồng bộ, thống nhất danh mục, mã định danh của các cơ quan, tổ chức trên Trục liên thông.

Quản lý kết nối trên Trục liên thông

Theo dự thảo, cơ quan quản lý, vận hành Trục liên thông cung cấp đầy đủ danh sách đơn vị đã kết nối theo thời gian thực để các bộ, ngành, địa phương thực hiện tra cứu, tích hợp trên các hệ thống thông tin của mình.

Cơ quan quản lý, vận hành Trục liên thông thường xuyên theo dõi, phản hồi về tình trạng kết nối cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Trường hợp mất kết nối từ Hệ thống của bộ, ngành, địa phương, trong vòng tối đa 30 phút, cơ quan quản lý, vận hành Trục liên thông phải thông báo (qua SMS, địa chỉ email) cho bộ, ngành, địa phương để kịp thời xử lý.

Hàng năm, cơ quan quản lý, vận hành Trục liên thông tổ chức đánh giá, theo dõi kỹ thuật việc triển khai kết nối của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương với Trục liên thông. Đối với các đơn vị không bảo đảm về hạ tầng ứng dụng, đường truyền, bảo mật, Văn phòng Chính phủ gửi thông báo tới các đơn vị để kịp thời khắc phục, nâng cấp.

Đối với các vấn đề liên quan đến an toàn an ninh, thông tin từ phía các thiết bị, hệ thống của các bộ, ngành, địa phương, ảnh hưởng trực tiếp tới việc kết nối và khai thác dịch vụ của các đơn vị khác trên Trục liên thông, đơn vị quản lý vận hành Trục liên thông có thể thực hiện ngắt kết nối tại điểm phát sinh sự cố. Việc kết nối lại chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn thành khắc phục sự cố an toàn an ninh thông tin.

Đối với các yêu cầu tạm dừng kết nối, bộ, ngành, cơ quan, địa phương gửi yêu cầu tới cơ quan quản lý, vận hành Trục liên thông đồng thời nêu rõ lý do ngừng kết nối.

Điều kiện khai thác dịch vụ trên Trục liên thông.

Dự thảo nêu rõ, đơn vị khai thác dịch vụ trên Trục liên thông phải đáp ứng các điều kiện sau: 1- Phải bảo đảm các phương thức xác thực và định danh người dùng thích hợp ở mức cao; 2- Chịu trách nhiệm quản lý các quyền của người dùng trong đơn vị; 3- Bảo đảm các cá nhân không được phép không có quyền truy cập thông tin thu được từ Trục liên thông hoặc từ các hệ thống thông tin kết nối tới Trục liên thông.

Thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã và đang triển khai một số hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử (khai trương từ ngày 12/3/2019): Đã kết nối, liên thông tới 94/94 bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Trung ương Đảng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, các Tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam). Đến nay có tổng số hơn 4,4 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Cổng Dịch vụ công quốc gia (khai trương ngày 09/12/2019): Đã kết nối với trên 100 Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; các Tập đoàn, Ngân hàng thương mại cổ phần, doanh nghiệp, cụ thể: 19/21 Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc vì lý do đặc thù); 63/63 tỉnh, thành phố; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Ban Cơ yếu Chính phủ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; 04 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (Viettel, VNPT, Mobifone, Vietnamobile); Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; 06 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV kết nối chính thức; VPBank, SHB đang kiểm thử); 06 trung gian thanh toán (NAPAS, VNPTPay, Momo, Ngân lượng, Payoo kết nối chính thức; ZaloPay đang kiểm thử). Đến nay đã tích hợp, cung cấp 2.838 dịch vụ công trực tuyến; có khoảng 109 triệu lượt truy cập, trên 446 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 32 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 890 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến qua Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 50 nghìn cuộc gọi và hơn 10 nghìn phản ánh, kiến nghị…

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn