• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Câu chuyện y đức với “cây đa, cây đề” của ngành Y

(Chinhphu.vn) – Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, GS, TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, một “cây đa, cây đề” của ngành Y, đau đáu với nỗi niềm về y đức sau những vụ việc xảy ra gần đây trong ngành Y.

25/10/2013 10:44

GS Phạm Gia Khải. Ảnh: VGP/Phương Liên

Trong câu chuyện với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, GS Phạm Gia Khải đau đáu một nỗi buồn về vấn đề đạo đức của người thầy thuốc cũng như đạo đức xã hội. Nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp, nhưng với ông, trong nghề y đạo đức là số một, vì đây là nghề chữa bệnh cứu người.

Theo GS Khải, sự việc tại thẩm mỹ viện Cát Tường đã làm tổn hại đến danh dự của bất cứ ai đã gắn bó cả cuộc đời với nghề y cao quý, bởi khi chọn nghề nghiệp, các bác sĩ đều đã phải thấm nhuần: thiếu đức thì không thể làm thày thuốc.

Về y đức, từ xưa, đại danh y Lê Hữu Trác đã dành hẳn một chương “Y huấn cách ngôn” trong cuốn sách đồ sộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” để nói về đạo đức của người thầy thuốc. Danh y đưa ra 9 điều mà người thầy thuốc nên theo và giáo huấn: “Thầy thuốc là nghề bảo vệ sinh mạng con người. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà liều lĩnh khi làm nghề cao quí đó”.

GS Khải nhắc đến những thầy thuốc trong thế kỷ 20 như Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Trần Hữu Tước, Đỗ Tất Lợi… và thế hệ tiếp nối như Tôn Thất Bách, Lê Thế Trung, Đặng Thuỳ Trâm... đã để lại tấm gương sáng về y đức, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp y học và y tế của nước nhà.

Theo GS Phạm Gia Khải, nghề Y là một nghề đặc biệt, vì vậy không phải ai cũng có thể trở thành thầy thuốc. Nghề Y là nghề “cứu nhân độ thế”, đối lập với kinh doanh. Những ai có mục đích kiếm tiền bằng nghề Y thì tốt nhất là không theo nghề này.

Trong quá trình đào tạo ở nhà trường, GS Khải cho rằng các thầy cô nên dành thời gian để sàng lọc, đưa ra khỏi ngành những người thầy thuốc tương lai thiếu đạo đức.

GS Phạm Gia Khải nhấn mạnh để nâng cao y đức, chúng ta không thể hô hào chung chung mà phải xem xét nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về y đức và đề ra các biện pháp khắc phục ngay từ khi tuyển chọn cán bộ vào ngành.

GS Khải trăn trở rất nhiều về y đức trong nền kinh tế thị trường và những tác động tiêu cực của xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến người thầy thuốc. Những tác động tiêu cực đã làm xói mòn đạo đức, sự vươn lên làm chủ tay nghề và việc chữa trị, chăm sóc người bệnh của người thầy thuốc. Người dân kêu ca nhiều về thái độ ứng xử của nhân viên y tế tại các bệnh viện hiện nay, về tình trạng thiếu trách nhiệm, thờ ơ với người bệnh của một bộ phận nhân viên y tế, về hiện tượng “phong bì” phổ biến tại các bệnh viện.

Ngay trên địa bàn Thủ đô, chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay, đã có nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong ngành Y tế Hà Nội, gây bức xúc dư luận như: vụ ăn bớt vắc xin tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, vụ “nhân bản” xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức, vụ tráo thủy tinh thể ở Bệnh viện Mắt Hà Nội… Và sự việc khủng khiếp mới xảy ra là tại trung tâm thẩm mỹ “không phép” Cát Tường: Bác sỹ làm chết bệnh nhân rồi mang xác ném xuống sông để phi tang. 

GS Khải cho rằng trong xã hội đang nhiều biến đổi, rất có thể “bác sĩ Tường” không phải là trường hợp cá biệt, mà còn nhiều “bác sĩ Tường” khác đang cố gắng che đậy cái tâm xấu xa. GS Khải khuyên rằng, đừng nhìn vào tội ác, tội lỗi của người khác mà hí hửng ngỡ rằng mình tốt đẹp hơn. Đó phải là lý do để ngộ ra: phải cảnh giác, nghiêm khắc với bản thân hơn.

Trong mọi lời răn về y đức, điều cốt lõi nhất vẫn là sự xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của những người thầy thuốc. Những người thầy thuốc có y đức thì dù trong môi trường nào họ cũng sẽ hành động vì tình người. GS Khải trăn trở: “Nói cho cùng, cái tâm con người là quan trọng. Học rất nhiều về y đức, nhưng nếu học vẹt, không có tâm thì sẽ vẫn vô cảm với nỗi đau của người bệnh, của đồng loại”.

Bên cạnh lương tâm và trách nhiệm, đối với những người làm ngành Y, việc nâng cao y đức còn nằm ở việc nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ nghiên cứu, chẩn đoán, làm chủ trang thiết bị hiện đại để có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây bệnh, biện pháp điều trị và cách điều trị. GS Phạm Gia Khải hy vọng tiếng thơm về y đức của ngành Y sẽ được phục hồi trong một ngày không xa, khi các “chiến sĩ áo trắng” đều làm đúng lời dạy của Bác Hồ: "Lương y phải như từ mẫu".

Phương Liên