• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tổ chức kỳ thi quốc gia: Chọn phương án tiến bộ, khoa học

(Chinhphu.vn) - Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm, từng có những góp ý xây dựng thẳng thắn, nhiệt huyết đối với Đề án đổi mới thi và tuyển sinh, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GDĐT), đã đưa ra những kiến giải từ góc nhìn cá nhân đối với các phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đang được Bộ GDĐT lấy ý kiến.

31/07/2014 09:15
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp. Ảnh: VGP/Đình Nam
Thưa Giáo sư, xung quanh phương án tổ chức kỳ thi quốc gia có nhiều luồng dư luận khác nhau trong đó có cả ý kiến cho rằng thực hiện trong năm 2015 là quá gấp, ý kiến của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

GS Lâm Quang Thiệp: Tổ chức một kỳ thi quốc gia hợp nhất không phải là ý tưởng mới, nó đã được đề xuất ở Đề án Giáo dục Việt Nam VIE-89/022 do UNESCO tài trợ từ thập niên 1990, cũng nằm trong lộ trình phát triển kỳ thi ĐH, CĐ “3 chung” từ năm 2002, nhưng bị trì hoãn mãi cho đến nay. Cho nên tôi hơi ngạc nhiên khi có một số người đã từng lãnh đạo ngành Giáo dục lại cho rằng chủ trương này là “quá đột ngột”

Tôi rất tâm đắc với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cần tổ chức một kỳ thi quốc gia chung từ năm 2015, không nên chần chừ nữa. Tuy nhiên, việc tổ chức kỳ thi thế nào cho tốt thì cũng cần bàn.

Hiện phương án thi 8 môn (4 môn tối thiểu, 4 môn bổ sung để xét tuyển ĐH) và phương án 5 bài thi (3 bài thi bắt buộc, 1 bài thi tổng hợp tự chọn là KHTN hoặc KHXH) đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Giáo sư đánh giá thế nào về hai phương án trên?

GS Lâm Quang Thiệp: Trong 2 phương án trên thì phương án thứ hai là rất khoa học và tiến bộ, cần lựa chọn và tích cực chuẩn bị thực hiện. Còn phương án đầu tiên là phương án “bảo thủ” và chưa khoa học do vẫn dựa quá nhiều vào tính ngẫu nhiên ngay từ việc lựa chọn môn thi, không bao quát được chương trình học.

Thật ra ở phương án 2 gọi đề thi là “bài thi” không chính xác, nên gọi là đề thi tổng hợp thì đúng hơn, khác với đề thi đơn môn ở phương án 1, vì từ "bài thi" dành để chỉ bài làm của thí sinh.

Đề thi tổng hợp có hai cách xây dựng: Cách kết nối các đề thi đơn môn thông thường, và cách tích hợp kiến thức nhiều môn trong một câu hỏi. Cách thứ nhất có thể thực hiện ngay, vì không bị ảnh hưởng gì của việc thay đổi chương trình các môn học; cách thứ hai có bị ảnh hưởng phần nào của chương trình.

Trong lộ trình sắp tới, chúng ta nên dùng cách thứ nhất trước, khi nào có sự thay đổi chương trình theo hướng tích hợp và thí sinh đã quen thì chuyển dần sang cách thứ hai.

Ưu điểm của phương pháp trắc nghiệm

Thưa Giáo sư, vẫn có nhiều người rất băn khoăn về năng lực ra đề thi tổng hợp của chúng ta hiện nay?

GS Lâm Quang Thiệp: Về công nghệ ra đề thi cho các kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn như kỳ thi quốc gia của chúng ta, hiện phần lớn các nước tiên tiến trên thế giới vẫn sử dụng chủ yếu phương pháp trắc nghiệm. Chủ trương này đã được xác định ngay từ ngày đầu thực hiện kỳ thi “3 chung” vào năm 2002, nhưng do một số ý kiến phản đối của những người ít nghiên cứu về phương pháp đánh giá nên Bộ GDĐT chỉ dừng lại ở 4 môn trắc nghiệm.

Thực tế đối với các kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn, phương pháp trắc nghiệm có ưu thế áp đảo so với phương pháp tự luận. Khi xét từng khía cạnh, mỗi phương pháp có ưu nhược điểm khác nhau, nhưng về tổng thể có thể nói: Chất lượng của kỳ thi bằng đề trắc nghiệm phụ thuộc chủ yếu vào đề thi, còn chất lượng của kỳ thi bằng đề tự luận phụ thuộc chủ yếu vào năng lực người chấm.

Đối với đề thi trắc nghiệm, chúng ta có thể tăng chất lượng nhờ quy trình lâu dài hằng năm để xây dựng, thử nghiệm và chỉnh sửa các câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm. Trong khi đó tìm đủ người có năng lực để chấm các bài thi tự luận trong thời gian ngắn cho một kỳ thi rất đông thí sinh là điều không thể.

Khi dùng phương pháp trắc nghiệm rất dễ ra các đề tổng hợp kiểu kết nối các đề thi đơn môn. Chẳng hạn, đề tổng hợp 3 môn có thể gồm 60 câu hỏi, mỗi môn chỉ cần 20 câu là đủ. Chấm bài thi theo đề tổng hợp sẽ có cả điểm chung và các điểm thành phần, tạo thuận lợi cho các trường đại học chọn thí sinh theo loại điểm họ mong muốn.

Thế nhưng dù thế nào thì đề thi trắc nghiệm cũng chưa thể đánh giá hết năng lực của thí sinh?

GS Lâm Quang Thiệp: Với các môn rất cần đánh giá khả năng diễn đạt hoặc giải quyết vấn đề như Ngữ văn và Toán, chúng ta có thể thêm một đề tự luận ngắn, giới hạn thí sinh làm trong khoảng 30 phút, trình bày không quá một trang A4.

Đề tự luận ngắn buộc thí sinh phải suy nghĩ cẩn thận trước khi viết để nâng cao chất lượng bài làm và cũng tiết kiệm công chấm bài.

Cơ hội ĐH rộng mở cho những người xứng đáng

Thưa Giáo sư, không ít người đặt câu hỏi về khả năng đạt được 2 mục đích của kỳ thi quốc gia, nhất là việc sử dụng kết quả kỳ thi để làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ?

GS Lâm Quang Thiệp: Chúng ta có thể sử dụng một kỳ thi cho 2 mục tiêu tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học vì bản chất 2 kỳ thi đều là đánh giá thành quả học tập theo chương trình phổ thông. Tuy nhiên, để phục vụ cho việc tuyển sinh đại học, thì cần mở rộng đối tượng được phép dự thi, chẳng hạn những người đã thi nhưng được điểm thấp muốn nâng điểm để dự tuyển đại học, hoặc những người tự học, không học phổ thông nhưng muốn có điểm để được xác định trình độ và dự tuyển đại học.

Một kỳ thi quốc gia có tính chất như vậy có thể tổ chức nhiều lần trong năm, xem như tạo cơ hội cho thí sinh nâng dần trình độ để được vào đại học. Có các kỳ thi quốc gia như vậy thì các trường đại học không bị sức ép lấy thí sinh quá kém.

Nhưng nếu các trường ĐH, CĐ không tin tưởng vào kết quả kỳ thi quốc gia và tự tổ chức tuyển sinh riêng thì liệu chúng ta có quay lại thời kỳ trước đây với một kỳ thi tốt nghiệp và các đợt thi do các trường ĐH, CĐ tự tổ chức, cũng sẽ rất tốn kém cho xã hội?

GS Lâm Quang Thiệp: Các trường đại học có quyền “tự chủ tuyển sinh” không có nghĩa là họ có quyền tổ chức kỳ thi tuyển sinh, vì tổ chức một kỳ thi tuyển sinh thật sự có chất lượng là rất khó và rất tốn kém, phần lớn các trường đại học không làm được. Các nước tiên tiến đều có tổ dịch vụ thi chung để các trường đại học dựa vào kết quả đó mà tự chủ tuyển sinh. Cho nên Bộ GDĐT không nên thả nổi hoàn toàn cho mọi trường đại học quyết định việc tuyển sinh.

Ở Nhật Bản, mọi trường đại học công đều phải dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia để tuyển sinh, một số trường lớp trên có thể đưa thêm các giải pháp bổ sung, chỉ các trường tư mới được tự chọn sử dụng hay không sử dụng kỳ thi chung.

Cái lợi của một kỳ thi quốc gia là rất rõ ràng nhưng đó phải là một kỳ thi có chất lượng cao mới phát huy tác dụng tốt. Vấn đề là phải khai thác trí tuệ của toàn xã hội, đặc biệt là của các chuyên gia trong nước, rất tiếc là trong thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa quan tâm đến điều đó. Hy vọng lần này, thực hiện chỉ đạo và quyết tâm của Thủ tướng, ngành Giáo dục nước ta sẽ tổ chức thành công kỳ thi quốc gia hợp nhất ngay trong năm 2015, và cải tiến dần trong những năm sau theo tiến trình đổi mới giáo dục.

Xin cám ơn Giáo sư!

Minh Khôi (thực hiện)