• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Các bộ, ngành sẵn sàng ứng phó với bão số 3

(Chinhphu.vn) - Tổ chức trực cấp cứu 24/24h, bố trí lực lượng thường trực điều tiết giao thông, bảo đảm an toàn cho học sinh… là yêu cầu hàng đầu của Bộ Y tế, Công an, GD&ĐT đối với các đơn vị trực thuộc trong việc phòng, chống bão số 3.

16/09/2014 15:17
Các đội cấp cứu trực 24/24h và luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh. Ảnh minh họa
Bộ Y tế yêu cầu các đội trực cấp cứu 24/24h

Bộ Y tế vừa có công điện hỏa tốc gửi Sở Y tế các tỉnh phía Bắc chủ động triển khai công tác phòng chống, ứng phó với cơn bão.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, phối hợp với các ban ngành có liên quan trong công tác ứng phó với diễn biến bất thường của mưa, bão.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung cần phối hợp với lực lượng quân y trên địa bàn chủ động đối phó với bão số 3, sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão và tổ chức trực ban, sẵn sàng cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa bão, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra.

Các đội cấp cứu trực 24/24h và luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa bão. Các bệnh viện trực thuộc Bộ tổ chức các đội cấp cứu ứng trực cơ động chi viện khi có lệnh. Sở Y tế các tỉnh chuẩn bị nhóm nhân viên y tế hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân gặp sang chấn tâm lý sao bão.

Bên cạnh đó, các đơn vị trên cần khẩn trương triển khai ngay các phương án bảo vệ, hỗ trợ hoặc di dời cơ sở y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ uống gây ra; xây dựng kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, vùng trũng, vùng có nguy cơ bị ngập úng.

Trong tình huống bị mưa lũ chia cắt dài ngày, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh cần phối hợp với các sở, ban, ngành tại địa phương hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, thực hiện nếp sống vệ sinh để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh phát sinh sau bão.

Công an các tỉnh, thành phố chủ động đối phó với bão số 3

Hôm nay (16/9), lãnh đạo Bộ Công an đã gửi công điện khẩn gửi các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, công an các tỉnh, thành phố yêu cầu chủ động đối phó với bão số 3.

Theo đó, lãnh đạo Bộ yêu cầu công an các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát phương án phòng, chống bão, theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến của cơn bão trên các phương tiện truyền thông đại chúng để chủ động đối phó, tập trung lực lượng, phương tiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra.

Chú trọng dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm thiết yếu, đặc biệt tại những nơi khả năng bị bão, lũ chia cắt, cô lập.

Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện cứu nạn, cứu hộ. Chỉ đạo lực lượng công an cơ sở, công an xã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng bảo đảm tốt an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tài sản của cơ quan, tổ chức và nhân dân.

Chủ động có phương án hướng dẫn, phân luồng giao thông và thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nhân dân biết thực hiện.

Nghiêm cấm các phương tiện lưu thông qua khu vực bão đổ bộ; bố trí lực lượng thường trực điều tiết giao thông tại các khu vực bị ngập, bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại, đảm bảo an toàn; kiên quyết cấm mọi phương tiện đi qua vùng ngập lụt.

Tổ chức trực ban, trực chiến 24/24 giờ, bảo đảm 100% quân số trực và ứng trực, thường trực ở cơ quan và phân công lãnh đạo trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo phòng, chống bão, mưa lũ. Duy trì thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt ứng phó với bão số 3...

Chủ động cho học sinh nghỉ tránh bão số 3

Ngày 16/9, Bộ GD&ĐT đã có công điện khẩn gửi các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp thuộc 29 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

Theo đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường cần chủ động ngừng hoạt động ngoại khóa trong thời gian bão, mưa, lũ đang diễn ra.

Đối với các vùng có nhiều sông, suối, địa bàn phức tạp có nguy cơ lũ và sạt lở đất cao cần theo dõi sát diễn biến thời tiết để chủ động cho học sinh nghỉ nhằm tránh những rủi ro khi đến trường.

Bộ cũng yêu cầu nhà trường tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ học sinh đến trường sau mưa lũ, không để các em phải bỏ học vì thiếu ăn, mặc, sách vở... do thiên tai gây ra.

Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để có phương án làm vệ sinh môi trường khi xảy ra bão, mưa, lũ lụt, nhanh chóng đưa các cơ sở giáo dục trở lại hoạt động bình thường, có phương án bố trí thời gian đến trường hợp lý ở các cơ sở giáo dục.

Khi xảy ra bất cứ tình huống, sự cố bất thường trong bão lũ, các địa phương cần lập tức báo cáo về Bộ GD&ĐT để kịp thời chỉ đạo xử lý.

Hiền Minh-Hà Anh