• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Toàn cảnh vụ 2 máy bay Su-22 gặp nạn

(Chinhphu.vn) - Sáng 3/5, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (quận Gò Vấp, TPHCM), Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân và gia đình tổ chức lễ tang cho 2 phi công hy sinh trong khi làm nhiệm vụ huấn luyện bay chiến đấu.

03/05/2015 10:31
Công tác tìm kiếm chiếc Su-22 còn lại đang được tích cực triển khai

* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an gửi vòng hoa kính viếng và chia buồn cùng gia quyến hai đồng chí.

Trong sổ tang, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng viết: “Sự hy sinh của các đồng chí đã để lại tấm gương sáng cho cán bộ chiến sỹ toàn quân nói chung, Quân chủng Phòng không-Không quân nói riêng noi theo; góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc hiện nay”.

* Sau khi tìm thấy thi thể các phi công trong vụ tai nạn máy bay quân sự tại vùng biển Bình Thuận ngày 16/4, các lực lượng chức năng cũng đã tìm thấy cả 2 hộp đen của 2 chiếc Su 22 số hiệu 5857 và 5863 của Trung đoàn Không quân 937 thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không-Không quân).

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết, việc giải mã chi tiết 2 hộp đen sẽ có những khó khăn nhất định do hộp đen bị ngâm dưới nước biển lâu ngày. 

Tuy nhiên, dựa vào kết quả tìm kiếm, trục vớt thi thể 2 phi công cũng như các bộ phận của máy bay, nguyên nhân vụ tai nạn đáng tiếc này sẽ sớm có kết quả chính xác nhất.

Cũng theo Phó Tổng tham mưu trưởng Võ Văn Tuấn, lễ viếng và truy điệu 2 phi công sẽ do Quân chủng Phòng không-Không quân tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng khu vực phía Nam (Gò Vấp, TPHCM) vào sáng ngày 3/5, sau đó an táng tại quê nhà theo nguyện vọng của hai gia đình.

Ngoài việc tiến hành các thủ tục công nhận Liệt sỹ cho 2 phi công gặp nạn, Quân đội cũng quyết định truy phong từ Trung tá lên Thượng tá đối với liệt sỹ phi công Lê Văn Nghĩa (nguyên Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937) và truy phong từ Đại úy lên Thiếu tá đối với liệt sỹ phi công Nguyễn Anh Tú (nguyên Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn Không quân 937). Ban Thanh niên Quân đội cũng đã làm thủ tục đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm đối với liệt sỹ phi công Nguyễn Anh Tú.

* Khoảng 19 giờ ngày 30/4, lực lượng đặc công nước đã tìm thấy thi thể phi công Nguyễn Anh Tú trong vụ tai nạn máy bay Su 22M4 ngày 16/4 tại khu vực đảo Phú Quý (Bình Thuận) và đưa về quàn tại Bệnh viện Phú Quý, Bình Thuận.

Dự kiến sáng 1-5, trực thăng quân sự sẽ đưa thi thể anh Nguyễn Anh Tú về Bệnh viện Quân y 175 tại TP.HCM để chuẩn bị cho lễ truy điệu.

* Trước đó, chiều 28/4, lực lượng tìm kiếm đã trục vớt được phần thân máy bay Su-22, số hiệu 5857 cùng với thi thể phi công Lê Văn Nghĩa, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, hy sinh trong vụ máy bay rơi trên vùng biển Bình Thuận vào trưa 16/4.

Ngay sau khi trục vớt được thi thể phi công và thân máy bay, Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn và lãnh đạo Quân chủng Phòng không-Không quân đã họp và triển khai công việc nhằm giải quyết hậu quả.

Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm đối với máy bay Su-22 số hiệu 5863 và phi công Nguyễn Anh Tú vẫn đang được các lực lượng tích cực triển khai.

Trước đó, việc tìm kiếm cứu nạn hai máy bay Su-22 mất liên lạc trên vùng biển đảo Phú Quý (Bình Thuận) đã phải tạm ngưng trong nhiều ngày vì sóng lớn.

Trong ngày 28/4, đặc công nước (Lữ đoàn Đặc công nước) đã tìm được bộ phận dẫn đường của máy bay Su-22 và tiếp đến đã tìm thấy phần thân máy Su-22 mang số hiệu 5857 và thi thể phi công Lê Văn Nghĩa.

Hiện các lực lượng: Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận, Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển, Lữ đoàn 918, Sư đoàn 370, Lữ đoàn 5 Đặc công (Bộ Tư lệnh Đặc công) với các thợ lặn chuyên nghiệp và nhiều tàu cá của ngư dân huyện đảo Phú Quý đang nỗ lực tìm kiếm phi công và chiếc máy bay còn lại.

* Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2015, sau khi nghe Bộ Quốc phòng báo cáo về việc 2 máy bay Su22-M4 thuộc sư đoàn Không quân 370 bị nạn trên vùng biển tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục tập trung tổ chức tìm kiếm cứu nạn; điều tra, xác minh nguyên nhân tai nạn.

Theo Bộ Quốc phòng, 2 máy bay gặp nạn mặc dù đã sử dụng nhiều năm nhưng vẫn đang còn trong niên hạn sử dụng, công tác đảm bảo kỹ thuật hàng năm vẫn được thực hiện đầy đủ theo quy định.

Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng chỉ mới tìm thấy một số mảnh vỡ của 2 máy bay gặp nạn gần đảo Phú Quý. Trong đó có phần ghế dù của phi công. Tuy nhiên, phần ghế dù được xác định vỡ cùng máy bay rơi xuống nước chứ không phải do phi công phóng ghế dù nhảy ra.

* Ngày 21/4 là ngày thứ 6 kể từ khi xảy ra vụ hai máy bay Su- 22 cùng hai phi công của Sư đoàn 370 gặp tai nạn mất tích trên vùng biển Bình Thuận, nhưng vẫn chưa có tung tích gì về 2 phi công Lê Văn Nghĩa và Nguyễn Anh Tú.

Cho đến sáng 21/4, lực lượng chức năng chỉ mới tìm thấy một số mảnh vỡ của 2 máy bay gặp nạn gần đảo Phú Quý. Trong đó có phần ghế dù của phi công. Tuy nhiên, phần ghế dù được xác định vỡ cùng máy bay rơi xuống nước chứ không phải do phi công phóng ghế dù nhảy ra. Do đó khả năng sống sót của phi công gần như là không còn.

Trong ngày hôm nay, việc tìm kiếm sẽ tiếp tục một cách khẩn trương. Trong đó, các lực lượng của Bộ Quốc phòng sẽ ưu tiên tìm kiếm hai phi công và hộp đen máy bay rơi trên biển.

* Trong đêm qua (20/4), lực lượng tìm kiếm đã được tăng cường, thay ca làm việc liên tục trong đêm, với mục tiêu cao nhất là tìm kiếm được phi công bị mất tích.

Sau nỗ lực dò tìm và ném phao, thu hẹp vùng tìm kiếm và xác định vị trí máy bay rơi, lực lượng tìm kiếm đã vớt được một số mảnh vỡ của cánh máy bay Su-22 số hiệu 5863 do Đại úy phi công Nguyễn Anh Tú điều khiển. Như vậy, cả hai máy bay Su-22 đều đã được xác định rõ vị trí.

Tuy nhiên, hiện bộ phận thân chính của hai máy bay, nơi hai phi công có khả năng bị mắc kẹt bên trong vẫn chưa được tìm thấy. Dòng nước dưới đáy biển chảy mạnh đã gây khó khăn cho các người nhái trong việc tìm kiếm.

Bộ Quốc phòng tiếp tục tập trung lực lượng với khả năng cao nhất cố gắng tìm những gì có liên quan tới 2 phi công gặp nạn, thực hiện nốt việc tìm kiếm các mảnh vỡ máy bay, hộp đen máy bay để xác định nguyên nhân tai nạn.

* Sau 5 ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy nhiều mảnh vỡ tại vùng biển hai máy bay Su-22 mất tín hiệu, nhưng vẫn không thấy dấu vết của các phi công.

Tính đến chiều 20/4, lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đã vớt được nhiều mảnh vỡ như: Khung và nắp kính buồng lái, thiết bị làm mát buồng lái, thùng dầu phụ, cánh máy bay (cánh đuôi)…

Do vùng biển hai máy bay Su-22 gặp nạn có độ sâu từ 30m - 50m, dòng hải lưu chảy mạnh nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.

Trong ngày 20/4, các phương tiện hỗ trợ lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đã được huy động tối đa với gần 10 tàu chuyên dụng và máy bay trực thăng, nhiều phương tiện máy móc hiện đại cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được huy động tham gia công tác tìm kiếm tại khu vực mất tín hiệu máy bay Su-22.

Lữ đoàn Đặc công nước cũng được tăng cường với 20 chiến sỹ Đặc công nước Hải quân, chia làm 5 kíp liên tục thay nhau lặn xuống đáy biển dò tìm.

Hiện các lực lượng đã thu hẹp phạm vi tìm kiếm và khu vực tìm kiếm được chia ô, đánh dấu bằng phao để thuận lợi hơn cho công tác trục vớt. Sau khi đánh dấu khu vực, các chiến sĩ Đặc công nước cùng phương tiện cẩu trục chuyên dụng được di chuyển đến trục vớt.

* Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân hiện đang có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn.

Sở chỉ huy được lập ngay trên tàu Kiểm ngư 781 với sự phối hợp cùng của nhiều lực lượng: Biên phòng, hải quân, phòng không không quân, cảnh sát biển, đặc công, bộ đội địa phương và cả thợ lặn là ngư dân Bình Thuận. 

Cùng với các lực lượng và phương tiện có mặt tìm kiếm từ 3 ngày qua, ngày 19/4, Quân chủng Hải quân tăng cường thêm 12 người nhái, 3 tàu quân sự gắn thiết bị dò tìm hiện đại bằng sóng siêu âm.

Để trục vớt vật thể được phát hiện nằm dưới đáy biển nghi là thân máy bay, Cảnh sát biển đã tăng cường thêm 1 tàu có thiết bị có khả năng cẩu trục và chứa vật thể có khối lượng lớn… Hỗ trợ các tàu tìm kiếm còn có 4 trực thăng bay trên bầu trời.

Tuy nhiên, đã 3 ngày trôi qua, nhưng vẫn chưa có thông tin gì về 2 phi công mất tích. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn chỉ mới tìm thấy một số bộ phận nhỏ của một trong 2 máy bay Su-22 gặp nạn vào trưa 16/4.

* Ngày 18/4, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đoàn công tác có mặt tại hiện trường trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn vụ 2 máy bay Su-22 rơi trên vùng biển Bình Thuận.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ chỉ đạo tập trung tìm kiếm dưới đáy biển, đồng thời yêu cầu các lực lượng tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm với tinh thần khẩn trương, nỗ lực cao nhất, bằng mọi biện pháp để tìm phi công và máy bay.

Trong ngày 18/4, lực lượng hỗn hợp đã huy động 2 máy bay, 6 tàu, nhiều phương tiện máy móc cùng hằng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác tìm kiếm. Riêng Lữ đoàn Đặc công 5 (Binh chủng Đặc công) đã cử 20 chiến đấu viên, chia làm 5 kíp liên tục thay nhau lặn xuống đấy biển dò tìm. Hiện nay, do vùng biển tại khu vực máy bay rơi có mực nước khá sâu, cộng thêm dòng hải lưu chảy xiết nên đã ảnh hưởng khá lớn tới tiến độ và kết quả tìm kiếm của các lực lượng.

Cho đến 16 giờ cùng ngày, các chiến đấu viên đã phát hiện thêm và kéo lên mặt nước được 1 thùng dầu phụ, 1 khung nắp buồng lái của máy bay. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị cũng đã bắt đầu tiếp cận được 1 vật dự đoán là một bộ phận của thân máy bay đang nằm sâu dưới đáy biển.

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ cho biết, trong ngày 19-4, ngoài duy trì lực lượng và phương tiện hiện có, Quân chủng Hải quân sẽ tăng cường thêm 12 người nhái, 3 tàu gắn thiết bị dò tìm dưới đáy biển; lực lượng cảnh sát biển tăng cường 1 tầu có thiết bị kéo và chứa các vật thể nặng; lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường thêm 1 tàu; các lực lượng khác như PK-KQ, kiểm ngư, đặc công, Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận… cũng sẽ tăng cường thêm cán bộ, chiến sĩ, phương tiện tới hiện trường. Giải pháp chính sẽ là ưu tiên sử dụng người nhái, thợ lặn cùng các tàu có thiết bị chuyên dụng để rà soát, mở rộng khu vực tìm kiếm. Ngày 19-4, thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu và  các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ cũng sẽ tiếp tục trực tại Sở chỉ huy phía trước của lực lượng tìm kiếm hỗn hợp để chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Bên cạnh nỗ lực tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn. Những ngày qua, Quân chủng PK-KQ đã thường xuyên động viên, giúp đỡ gia đình 2 phi công gặp nạn. Bên cạnh hoạt động thăm hỏi, động viên của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ, Trung đoàn 937 đã cử lực lượng y tế thường xuyên theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người thân của 2 phi công; chuẩn bị chu đáo nơi ăn, ở cho những người thân ở xa, động viên gia đình giữ bình tĩnh, hy vọng vào công tác tìm kiếm, cứu nạn của các lực lượng.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, lãnh đạo Quân chủng PK-KQ cho biết, hiện nay, chỉ huy đơn vị đã dự kiến và chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên ưu tiên hàng đầu vẫn là động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị an tâm tư tưởng; tập trung huy động tối đa người và phương tiện, tranh thủ thời gian, tích cực tham gia tìm kiếm, cứu nạn để sớm tìm được phi công và máy bay.

Các tàu tìm kiếm tập trung tại khu vực xác định máy bay rơi (từ phải qua trái: Tàu BP-11-19-01, tàu CSB-2009 và tàu KN-833). Ảnh Thanhnien.com.vn

Sáng nay ngày 18/4, các lực lượng tìm kiếm bắt đầu tìm kiếm trở lại 2 chiếc máy bay Su 22 bị rơi trên vùng biển đảo Phú Quý làm 2 phi công mất tích sau một đêm tạm nghỉ. Đến 8h sáng nay việc tìm kiếm 2 phi công mất tích là trung tá Lê Văn Nghĩa và đại úy Nguyễn Anh Tú vẫn chưa có kết quả.

Hiện nay, tại khu vực tìm kiếm các lực lượng và phương tiện gồm tàu Biên phòng tỉnh Bình Thuận, tàu Cảnh sát biển Vùng 3, tàu Hải quân Vùng 4, lực lượng Đặc công nước Đoàn 5 và 1 số phương tiện của ngư dân, máy bay vẫn đang tiếp tục mở rộng tìm kiếm.

Dự kiến hôm nay, lực lượng chức năng sẽ tiến hành trục vớt phần máy bay được tìm thấy.

*Chiều 17/4, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện được một động cơ máy bay và một cánh máy bay. Đêm nay các thợ lặn và lực lượng đặc công sẽ cùng các lực lượng khác tiếp tục triển khai công việc tìm kiếm hai phi công cùng các máy bay bị mất tích.

Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng cho biết, trong đêm nay, các thợ lặn và lực lượng đặc công sẽ cùng các lực lượng khác tiếp tục triển khai công việc tìm kiếm hai phi công cùng các máy bay bị mất tích.

Riêng các máy bay tham gia tìm kiếm dự kiến tạm dừng công việc lúc 16 giờ 30 phút do tầm quan sát vào ban đêm bị hạn chế, ảnh hưởng đến công tác tìm kiếm.

Chiều 17/4, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân cho biết, vào lúc 16 giờ chiều cùng ngày, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện được phần đuôi của một chiếc máy bay Su-22 nằm sâu dưới mặt biển khoảng 32m tại khu vực có tọa độ: 10 độ 36 phút 30 và 108 độ 51 phút 15, cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 15km.

Dự kiến vào sáng mai các lực lượng sẽ tiến hành trục vớt phần đuôi của chiếc máy bay này.

Trong suốt ngày 17/4, công tác cứu hộ đã được các lực lượng triển khai khẩn trương, tích cực. Quân chủng Phòng không-Không quân đã sử dụng 2 máy trực thăng liên tục tìm kiếm trên vùng nghi vấn.

Đồng thời điều động 2 tàu, dự kiến vào sáng mai sẽ điều thêm một tàu dò tìm tới vị trí máy bay rơi, lực lượng bộ đội biên phòng sử dụng một tàu, cảnh sát biển sử dụng một tàu cùng hàng trăm tàu cá của ngư dân đang hoạt động trong vùng biển có máy bay rơi tham gia công tác dò tìm, cứu nạn.

Chiều cùng ngày, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã giao Bộ Tổng tham mưu trực tiếp chủ trì, chỉ đạo, huy động tối đa các lực lượng không quân, hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư, đặc công nước và tàu thuyền của ngư dân tham gia dò tìm.

“Do vị trí của máy bay rơi đã được xác định, vì vậy trong ngày mai sẽ tăng cường các lực lượng trên mặt biển tham gia tìm kiếm”, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho biết.

* Yêu cầu cao nhất và nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay là tìm kiếm 2 phi công mất tích. Trong ngày, các tàu chuyên dụng quét đa tia dò kim loại dưới mặt biển, lực lượng thợ lặn đặc công nước cũng đã đến hiện trường tham gia nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

Trong ngày hôm nay, các lực lượng gồm: Cảnh Sát biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận, Quân chủng Hải quân, Lữ đoàn 918 và Sư đoàn 370 của (Quân chủng Phòng không Không quân), Lữ đoàn 5 Đặc công (Bộ Tư lệnh Đặc công), ngư dân Bình Thuận cùng 6 thợ lặn chuyên nghiệp đã được huy động tham gia tìm kiếm hai chiếc máy bay Su 22 của Trung đoàn 937, Sư đoàn Không quân 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) bị nạn.

Các đơn vị tìm kiếm cứu nạn đã thành lập hai sở chỉ huy. Sở chỉ huy thứ nhất đóng tại sân bay Phan Rang do Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân.

Sở chỉ huy thứ hai đóng tại đảo Phú Quý do Sư đoàn Không quân 370 tổ chức dưới sự chỉ huy của Đại tá Trần Văn Lâm, Phó Sư đoàn trưởng Quân huấn Sư đoàn 370. Đến 16.02 phút, các lực lượng tìm kiếm đã phát hiện được một động cơ máy bay và một cánh máy bay.

* Đến 14h chiều nay (17/7), lực lượng tìm kiếm xác định vị trí 2 máy bay rơi sát nhau, phía nam Hòn Trứng, Phú Quý. 

Sau khi định vị được vị trí, nơi này đã bị phong tỏa hoàn toàn, cấm các tàu qua lại để cơ quan chức năng tiến hành tìm kiếm, cứu hộ, Vov.vn đưa tin. 

Hiện tại, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, bao gồm Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, lực lượng Đặc công biển, Biên phòng Bình Thuận, cùng hơn 200 tàu cá của ngư dân hoạt động ở khu vực lân cận đảo Phú Quý vẫn đang tiếp tục tìm kiếm 2 máy bay Su-22 mất tích và tung tích của 2 phi công.

Lực lượng Biên phòng Bình Thuận đã thông báo cho các tàu cá đang hoạt động xung quanh khu vực máy bay Su-22 mất liên lạc (bước đầu xác định là cách đảo Phú Quý – Bình Thuận khoảng 10 – 15km), tham gia tìm kiếm 2 chiếc máy bay này.

* Dẫn nguồn tin từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận Vov.vn cho biết, tại hiện trường lúc này có 1 tàu Cảnh sát biển, 2 tàu của Hải quân vùng 4, 1 máy bay của sư đoàn 370, 1 tàu Biên phòng và lực lượng đặc công nước của Bộ tư lệnh đặc công phối hợp tìm kiếm.


Ngoài ra, cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận còn thông tin về tọa độ 2 máy bay Su-22 rơi đến các ngư dân đang đánh bắt hải sản quanh khu vực.

Ông Nguyễn Hùng Tân – Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết: “Hiện nay qua thông tin liên lạc, các đồn biên phòng đã thông báo khoảng 215 phương tiện của ngư dân đang hành nghề trên biển biết khu vực tọa độ đó để tổ chức tìm kiếm cứu nạn.”

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận cũng cho biết khoảng 8 giờ sáng nay (17/4), Tàu Biên phòng 11.19.01 của đơn vị cùng các chiến sĩ đã xuất phát từ đảo Phú Quý phối hợp cùng các lực lượng của Bộ Quốc phòng tiếp tục công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Đến 11 giờ trưa nay vẫn chưa có thông tin gì thêm.

Đại tá Võ Đình Tịnh - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận nói: “Ngoài việc hôm qua vớt được 3 thùng được xác định khả năng là thùng nhiên liệu phụ, đã bàn giao cho Quân chủng Phòng không Không quân rồi. Sáng nay cùng đi phối hợp với 5 thuyền của ngư dân đi giã cào, thả giã cào độ sâu 50 mét với 20 mét tìm kiếm xung quanh tọa độ máy bay rơi".

* Hiện tại Bộ Quốc phòng đang chỉ đạo các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Quân khu 7, khẩn trương điều động lực lượng, phương tiện đang hoạt động ở khu vực biển miền Trung và Bình Thuận phối hợp với ngư dân trên biển tìm kiếm, cứu nạn 2 phi công và xác định khu vực máy bay rơi.

Các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đang tích cực hoạt động tại hiện trường.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng chưa tìm thấy phi công và vị trí cụ thể nơi máy bay rơi.

Quân chủng Phòng không-Không quân tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ vụ việc mất an toàn bay nêu trên.

* Bộ Quốc phòng cho biết, lúc 11 giờ 45 phút ngày 16/4, hai máy bay Su-22 của Trung đoàn 937, thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) bay huấn luyện, bài bay công kích, bổ nhào, cơ động phức tạp, đường bay Phan Rang - Mũi Rinh, Phú Quý, Bình Thuận đã bị mất liên lạc với Sở Chỉ huy.

Ngay sau khi mất liên lạc, Sư đoàn Không quân 370 đã điều máy bay Mi-171 của Trung đoàn 917 tìm kiếm cứu nạn. Lúc 14 giờ 50 phút ngày 16/4/2015, máy bay tìm kiếm đã phát hiện tại vùng biển có tọa độ 10 độ, 36 phút, 36 giây vĩ Bắc; 108 độ, 51 phút, 30 giây kinh Đông có 4 bình dầu phụ trôi nổi và vết dầu loang trên biển.

Hiện máy bay Mi-171 đã trở về tiếp dầu để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bay tìm kiếm cứu nạn.

Hai phi công gặp nạn gồm: Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), lái máy bay Su-22, số hiệu 5857, cấp bậc Trung tá, chức vụ Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370 và Phi công Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3) điều khiển máy bay Su-22, số hiệu 5863, cấp bậc Đại úy, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.

Hiện nay các cơ quan chức năng của Quân chủng Phòng không - Không quân đang tiếp tục tổ chức lực lượng tìm kiếm và xác định nguyên nhân tai nạn.

  PV