• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Đổi mới thể chế: Từ báo cáo của Chính phủ đến ý kiến Quốc hội

(Chinhphu.vn) - “Đổi mới thể chế, chính sách còn ngập ngừng, thiếu nhất quán” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo trước Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng nói tại diễn đàn Quốc hội, nếu không tiếp tục đổi mới, chắc chắn Việt Nam sẽ gặp khó khăn.

01/11/2013 18:47
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong bản báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội được nhiều ý kiến đánh giá là đầy đủ và cụ thể, sát tình hình thực tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra rất rõ 3 nguyên nhân chính dẫn đến những yếu kém, hạn chế hiện nay.

Trong đó, ở vị trí thứ hai, đó là “nhận thức trên một số vấn đề về chủ trương, quan điểm đã được đề ra vẫn còn khác nhau dẫn đến đổi mới thể chế, chính sách còn ngập ngừng, thiếu nhất quán, nhất là về vai trò của nhà nước và kinh tế nhà nước trong kinh tế thị trường, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, sở hữu và quyền sử dụng đất đai, giá cả một số mặt hàng và dịch vụ công thiết yếu… chưa tạo được đột phá để huy động mạnh mọi nguồn lực cho phát triển”.

Nhận định trên đây đã nhận được sự đồng cảm của nhiều chuyên gia kinh tế, dù đâu đó vẫn có những ý kiến khác. Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp thị, TS Trần Du Lịch cho biết ông “rất tâm đắc” với phát biểu của Thủ tướng, “chúng ta dường như chưa có sự thống nhất cao, còn gì đó hơi lùng bùng, nhận thức vai trò của nhà nước và vai trò kinh tế nhà nước”.

Còn trên VietNamNet, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tuy không trực tiếp đề cập đến nhận định của Chính phủ, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng, những cải cách thể chế từ những năm đầu đối mới đã “đến lúc bộc lộ giới hạn của chúng, khi mà năng lực, động lực giải phóng sức sản xuất mà đoạn đầu đổi mới đã giải quyết được lại bị yếu đi, thì dường như nền kinh tế và xã hội, hay nói đúng hơn, sức sản xuất lại "bị trói" trở lại”.

Sau phiên thảo luận của Quốc hội, ngày 31/10, về tình hình kinh tế-xã hội, rất nhiều tờ báo trong nước tiếp tục nhấn mạnh đến vấn đề thể chế. Không ít ý kiến tại Hội trường cho rằng trong kỳ họp này, Quốc hội phải xác lập một thể chế kinh tế mới để giải quyết những hạn chế nội tại của nền kinh tế đất nước.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, đại biểu đến từ TPHCM, đầu tàu kinh tế lớn nhất nước, khẳng định “vai trò điều hành của Chính phủ rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn, Quốc hội phải có những quyết định về thể chế kinh tế trong kỳ họp này để khắc phục những khó khăn do thể chế kinh tế hiện tại mang lại”.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng thì đặt vấn đề, triển vọng kinh tế Việt Nam có sáng sủa trở lại hay không, phụ thuộc rất lớn vào sự đột phá về thể chế kinh tế.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, “việc thay đổi thể chế kinh tế phụ thuộc nhiều vào các nội dung sửa đổi Hiến pháp và cải cách một số dự án luật có tác động lớn tới tái cơ cấu nền kinh tế. Việc thay đổi các thể chế kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào các nội dung này, do vậy Quốc hội cần có câu trả lời thỏa đáng để các kỳ họp sau không phải làm những vấn đề biết rồi mà vẫn phải nói nữa”.

Còn nhớ, trong bài viết sau khi được Quốc hội khóa XIII tín nhiệm bầu tiếp tục giữ cương vị Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Thực tế, trong 3 năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, có không ít những ví dụ cụ thể cho thấy với quyền hạn và trách nhiệm của mình, Chính phủ đã nỗ lực triển khai các đột phá nói trên.

Có thể kể ra những bước tiến trong triển khai mô hình hợp tác công-tư (PPP) liên quan đến nhận thức về vai trò của nhà nước và kinh tế nhà nước trong kinh tế thị trường; những bước đi quyết liệt liên quan đến giá cả một số mặt hàng và dịch vụ công thiết yếu. Báo cáo của Chính phủ vừa trình Quốc hội cũng cho thấy sự chuyển đổi tư duy về tăng trưởng kinh tế, lựa chọn chỉ tiêu tăng trưởng hợp lý và vững chắc hơn.

Nhưng, trong bối cảnh vẫn còn những khác biệt, thậm chí tranh cãi, trong nhận thức trên nhiều vấn đề, khiến đổi mới thể chế, chính sách còn ngập ngừng, thiếu nhất quán, thật không dễ dàng để nhà điều hành tiến hành những bước đi quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.

Trong báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng đã chỉ ra một số bài học kinh nghiệm sau 3 năm thực hiện kế hoạch 2011-2015, mà đầu tiên là “trong bối cảnh mới, phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất để có chủ trương, chính sách huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tiếp nối quan điểm này, phát biểu trước Quốc hội, sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng “vấn đề bây giờ là cần phải làm gì cho 2 năm tới, làm bằng cách nào, đó là vấn đề quan trọng mà Quốc hội phải bàn. Chúng ta chuẩn bị gì ở trung hạn và dài hạn cho đất nước”. Ông khẳng định, “nếu Việt Nam không đổi mới trong tương lai, chắc chắn sẽ gặp khó khăn, đó là tiên đoán hoàn toàn có căn cứ".

Trong vấn đề đột phá tư duy phát triển, cách nhìn thẳng vào vấn đề, mạnh dạn đặt ra câu hỏi đã là một bước tiến trên con đường tìm ra đáp án. Và thiết nghĩ, để có đáp án cuối cùng, để giải quyết những vấn đề mang tính then chốt của nền kinh tế, thì nỗ lực của riêng Chính phủ sẽ là không đủ, như ý kiến của chính các đại biểu Quốc hội.

Kim Tuấn