• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Cân nhắc tính khả thi khi chuyển đổi phạt tiền thành phạt tù

(Chinhphu.vn) – Việc quy đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù có thể dẫn đến một thực tế đối tượng không thể chấp hành nộp phạt hoặc chấp nhận ngồi tù để “trừ nợ” vì thấy có lợi hơn cho mình. Điều này sẽ làm tăng việc áp dụng hình phạt tù nhưng lại khó bảo đảm được tính nghiêm minh, giáo dục của pháp luật.

01/08/2015 11:36

Theo quy định của phương án 1, Khoản 4 Điều 35 Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), “Khi tuyên hình phạt tiền là hình phạt chính, Tòa án tuyên nếu trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án không chấp hành, thì hình phạt tiền được chuyển đổi thành hình phạt tù…”.

Đây là quy định mới đối với pháp luật hình sự Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của người phạm tội khi chấp hành hình phạt tiền.

Theo ý kiến người viết, không nên đưa quy định này vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bởi, việc quy định chuyển đổi từ hình phạt tiền sang hình phạt tù trái với tinh thần cải cách tư pháp là giảm hình thức áp dụng hình phạt tù và mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ.

Quy định phải có tính khả thi

Nếu quy đổi như trên sẽ dẫn đến một thực tế có nhiều đối tượng không thể chấp hành nộp phạt hoặc chấp nhận ngồi tù để “trừ nợ” vì thấy có lợi hơn cho mình. Điều này sẽ làm tăng việc áp dụng hình phạt tù nhưng không bảo đảm được tính nghiêm minh, giáo dục của pháp luật.

Ngoài ra, quy định nội dung này như trên sẽ kéo theo nhiều thủ tục pháp lý khác liên quan để thực thi, tăng gánh nặng cho các cơ quan chuyên trách nói riêng và Nhà nước nói chung.

Đồng thời, quy định chuyển đổi hình phạt tiền sang hình phạt tù có thời hạn không bảo đảm tính khả thi.

Việc quy định một biện pháp cưỡng chế trong thực tế đòi hỏi biện pháp đó được áp dụng một cách dễ dàng, hiệu quả và khả thi. Ở một số nước trên thế giới thì phạt tiền được tính trên ngày công lao động, ngày thu nhập lao động nên khi chuyển từ tiền sang phạt tù thì thi hành được bao nhiêu (bằng tiền), còn lại chuyển sang bấy nhiêu ngày tù.

Đối với điều kiện kinh tế-xã hội Việt Nam, để xác định công lao động, thu nhập lao động là rất khó, thậm chí căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng cũng rất khó, do đó không thể quy đổi được.

Mặt khác, trong thực tiễn áp dụng phải tính một định lượng quy đổi cụ thể, nhưng việc quy đổi cũng không quá 3 năm tù.

Trong trường hợp quy đổi đến 3 năm tù nhưng vẫn chưa hết số tiền nộp phạt thì phải giải quyết thế nào, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng người phải chịu mức phạt tiền khác nhau đều quy đổi tối đa 3 năm tù sẽ là bất hợp lý?

Vì vậy, theo chúng tôi không nên quy định vấn đề này khi không tìm ra được một phương thức áp dụng khả thi, tránh trường hợp quy định xong, mới đi tìm cách tháo gỡ những khó khăn để áp dụng.

Hình phạt tiền là hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn, nếu không thi hành được hình phạt tiền mà phải chuyển sang hình phạt tù thì sẽ tăng nặng hơn hình phạt cho người bị kết án, nhất là khung hình phạt mà tòa án đã áp dụng không có hình phạt tù.

Có quan điểm cho rằng chuyển từ hình phạt tiền sang hình phạt tù bản chất là nhẹ hơn vì với những người nghèo, khi bị phạt tiền mà không có khả năng nộp phạt thì họ sẽ bị thêm tội không chấp hành bản án.

Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, tội không chấp hành bản án là trường hợp người phạm tội cố ý không chấp hành bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án, mặc dù đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết, tức là họ có khả năng chấp hành nhưng cố tình không chấp hành. Còn trong trường hợp những người nghèo không có khả năng để chấp hành, sau khi bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế như tịch thu nhà cửa, các loại tài sản khác… mà vẫn không đủ thì họ cũng không có điều kiện để chấp hành.

Do vậy, không thể “quy chụp” đó là “cố ý” để truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu một người thỏa mãn các dấu hiệu của tội không chấp hành bản án thì chúng ta cũng phải truy cứu để bảo đảm tính răn đe của pháp luật.

Ngoài ra, theo người viết, quy định này trái với nguyên tắc áp dụng và bản chất của hình phạt vì hình phạt sẽ được tuyên khi có tội phạm xảy ra, nhưng trong trường hợp này, người không chịu chấp hành hình phạt tiền chưa thỏa mãn dấu hiệu của một tội phạm cụ thể nên chúng ta không thể áp dụng hình phạt tù có thời hạn. Mặt khác, hình phạt này nặng hơn hình phạt tiền, do đó nếu áp dụng sẽ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người đang chấp hành bản án.

Như vậy, thay vì chuyển đổi từ hình phạt tiền sang hình phạt tù, nhà làm luật nên suy nghĩ và quy định những biện pháp cưỡng chế khác phù hợp, đủ tính răn đe và khả thi hơn.

Việc quy định các biện pháp cưỡng chế sẽ do tòa án quyết định khi xem xét điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng người phạm tội và tham khảo ý thêm kiến của cơ quan thi hành án, sau đó ghi rõ vào bản án.

Nên chuyển hình phạt cải tạo không giam giữ thành phạt tù

Theo quy định tại khoản 5, Điều 36 Dự thảo: “Khi tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ, Tòa án tuyên trong bản án trường hợp người bị kết án không thực hiện các nghĩa vụ thì hình phạt này được chuyển thành hình phạt tù theo nguyên tắc 3 ngày cải tạo không giam giữ bằng 1 ngày tù.

Không áp dụng quy định này đối với người bị kết án là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người khuyết tật nặng”.

Đây là một quy định phù hợp và mang tính khả thi cao, bởi vì, trong thực tiễn áp dụng hình phạt này, nhiều đối tượng không chịu thực hiện các nghĩa vụ đã được ghi trong bản án, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ giáo dục, giám sát người phạm tội.

Việc quy đổi 3 ngày cải tạo không giam giữ thành một ngày tù hoàn toàn phù hợp với tinh thần của pháp luật hình sự Việt Nam từ trước tới nay, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, góp phần vào công tác đấu tranh ngăn ngừa và chống tội phạm.

 PGS.TS. Đoàn Đức Lương, ThS. Trần Văn Hải

(Đại học Luật - Đại học Huế)