• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hy Lạp lại là tâm bão

(Chinhphu.vn) – Trong suốt thời gian xảy ra khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu từ cuối năm 2009 đến nay, Hy Lạp luôn nằm ở “tâm bão”.

26/01/2015 13:28

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ của cuộc bầu cử ngày 25/1 tại Hy Lạp cho thấy đảng cánh tả Syriza, chính đảng phản đối chính sách khắc khổ, có nhiều cơ hội giành chiến thắng.

Theo kết quả mới nhất sau khi kiểm 94% số phiếu, đảng Syriza nhận được 36,37%, vượt xa Đảng Dân chủ Mới của Thủ tướng Antonis Samaras mới chỉ giành được 27,81% phiếu. Không chờ công bố kết quả cuối cùng, Thủ tướng Samaras đã thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn và tuyên bố tôn trọng quyết định của người dân.

Lãnh đạo đảng Syriza là ông Alexis Tsipras cho biết đảng của ông sẽ khôi phục “danh dự” của Hy Lạp bằng cách hủy bỏ chính sách cắt giảm nghề nghiệp và các loại lương, vốn đã làm ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn quốc.

Phát biểu trước các cử tri trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Tsipras cho biết sẽ đề nghị EU phải điều chỉnh chính sách, "mềm mỏng" và "linh hoạt" hơn đối với các yêu cầu “thắt lưng buộc bụng,” nếu không muốn đẩy nước này vào tình trạng phá sản hoặc cạn kiệt mọi nguồn lực, dẫn đến mâu thuẫn trong xã hội gia tăng.

Nhà lãnh đạo đảng cánh tả nói rằng châu Âu không phải là "nạn nhân của khủng hoảng, mà là nạn nhân của chính sách thắt lưng buộc bụng" mà họ áp đặt cho Hy Lạp nói riêng và cả khối nói chung. Ông yêu cầu EU phải thoát ra khỏi "bóng tối của chính sách kinh tế hà khắc để hướng đến dân chủ, đoàn kết và phát triển bền vững".

Theo ông Tsipras, nếu không đạt được thỏa thuận thì Hy Lạp sẽ bị vỡ nợ và việc ra khỏi khu vực đồng euro là không thể tránh khỏi. Ông cũng cảnh báo Hy Lạp sẽ bỏ lỡ một chương trình nới lỏng định lượng lớn được ECB công bố vào tuần trước nhằm thúc đẩy nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Trong suốt thời gian xảy ra khủng hoảng ở Eurozone từ cuối năm 2009 đến nay, Hy Lạp luôn nằm ở “tâm bão”. Từ năm 2010 đến nay, Hy Lạp vẫn “sống” nhờ vào tiền của các chủ nợ quốc tế (Quỹ Tiền tế quốc tế - IMF, Ngân hàng trung ương châu Âu - ECB và Liên minh châu Âu -EU). Ba tổ chức này đã cam kết cho Hy Lạp vay tổng cộng 240 tỷ USD với điều kiện nước này phải thực hiện một kế hoạch thắt lưng buộc bụng rất nghiêm ngặt.

Những kế hoạch khắc khổ này đang khiến cuộc sống của người dân Hy Lạp trở nên khó khăn. Thực tế cho thấy dù đã nhận được các khoản cứu trợ quốc tế, nhưng Hy Lạp vẫn là nước duy nhất còn lại trong Eurozone phải đối mặt với nhiều khó khăn trầm trọng với tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức kỷ lục do chính phủ phải thực hiện cắt giảm chi tiêu, giảm bớt lao động theo yêu cầu của các chủ nợ. Việc người dân bị mất việc làm, cuộc sống trở nên khó khăn khiến họ quay lưng lại với các gói cứu trợ của quốc tế và muốn dồn phiếu cho đảng cánh tả Syriza.

Giáo sư kinh tế Kostas Vergopoulos, cố vấn của LHQ, đánh giá: “Chính sách thắt lưng buộc bụng do quốc tế áp đặt là một thảm họa đối với nền kinh tế Hy Lạp. Athens càng cải tổ theo những đường hướng đã được EU và Đức vạch ra thì càng lụn bại. Trong 5 năm qua,  GDP của Hy Lạp giảm 25%. Trong bối cảnh khối euro giảm phát, tình thế của Hy Lạp lại càng phức tạp hơn. Lương của nhân viên công chức nhà nước cũng như mức lương tối thiểu giảm 40% trong 5 năm vừa qua. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 28%, một kỷ lục của châu Âu. Tệ hơn nữa, 65% thanh niên dưới 25 tuổi không có việc làm. Trong những điều kiện đó, các nhà tài trợ vẫn đòi chính quyền Athens giảm chi và trả bớt nợ”.

Khả năng đảng Syriza chiến thắng làm dấy lên lo ngại Hy Lạp có thể hủy một số khoản nợ và bỏ đồng tiền chung của 19 nước thành viên châu Âu. Điều này có thể xảy ra dù đảng Syriza đã khẳng định lập trường của mình kể từ thời đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu rằng họ vẫn muốn Hy Lạp là một thành viên của Eurozone.

Châu Âu cũng lo ngại rằng, về mặt chính trị nếu Đảng Syriza thẳng lợi sẽ cổ vũ các đảng khác chống lại những chính sách khắc khổ tại những nước khác ở châu Âu. Hiện cả Pháp và Đức, hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone, đều mất kiên nhẫn về khả năng phục hồi của kinh tế Hy Lạp và hai nước đều tuyên bố "quyết định lúc này là của người dân Hy Lạp". Còn các giới chức IMF cảnh báo họ sẽ không giải ngân 8 tỷ USD cho đến khi nào Athens lập xong chính phủ mới.

Nhiều chuyên gia dự báo rằng, cuộc khủng hoảng ở Eurozone sẽ bước vào một giai đoạn mới nguy hiểm hơn và một lần nữa Hy Lạp lại ở giữa tâm bão./.

Nguyễn Chiến