• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Những tín hiệu lạc quan đầu nhiệm kỳ

(Chinhphu.vn) - Sau 4 tháng "cầm lái cỗ xe hành pháp", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có thêm 60 tháng để lãnh đạo Chính phủ thực hiện những bước đột phá về thể chế, để kiến tạo những bước ngoặt tăng trưởng và phát triển, để tái cơ cấu nền kinh tế và "đại tu" bộ máy hành chính của mình.

28/07/2016 16:48
Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 ra mắt Quốc hội và cử tri cả nước. Ảnh: VGP
Thủ tướng vừa nhậm chức ngày 7/4/2016 thì xảy ra thảm họa cá chết ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, lan ra khắp 4 tỉnh miền Trung; tiếp theo là hạn mặn tấn công “Nam kỳ lục tỉnh”, vựa lúa của cả nước và thế giới. Nối tiếp hạn hán kỷ lục ở miền Trung và Tây Nguyên là sự cố sập cầu Ghềnh ở Đồng Nai, rồi tai nạn máy bay rơi và việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông để phản kháng phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực... Tính đến ngày 26/7/2016, ngày phát biểu nhậm chức cho nhiệm kỳ mới 2016-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lãnh đạo Chính phủ được 110 ngày trong những diễn biến không thuận lợi của tình hình kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh.

Tuy nhiên, một số quyết định và hành động của ông đã tạo những ấn tượng tích cực, gia tăng niềm tin trong nhân dân, trong cán bộ, công chức cũng như đại biểu Quốc hội.

Giữa lúc nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài đang hết sức bức xúc về “nạn cá chết”, tại buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh bị thiệt hại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Sớm kết luận nguyên nhân, thủ phạm chính. Tinh thần là khách quan trung thực, thận trọng, khoa học, nhưng cố gắng kịp thời, nhanh nhất có thể để yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào”. Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp tục điều tra, “rà soát tất cả các cơ sở, kể cả cơ sở Formosa, không loại trừ ai”.

Chỉ đạo được Thủ tướng phát biểu một cách giản dị, nhưng thẳng thắn và rõ ràng như một mệnh lệnh quân sự. Và quan trọng là trúng đích! Khi thảm họa đang gây thiệt hại cho hàng trăm nghìn người dân trên một diện rộng như thế, người dân cần gì? Trước hết là phải kết luận được nguyên nhân và thủ phạm. Tất nhiên, kết luận ấy phải bảo đảm trung thực, thận trọng, khoa học, nhưng phải kịp thời, nhanh nhất có thể. Và tiếp theo là phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Xử nghiêm có nghĩa là xử lý công khai, minh bạch đối với nhân dân và không loại trừ bất cứ cá nhân, tổ chức vi phạm nào.

Chỉ đạo của Thủ tướng và lời hứa của Chính phủ đã được thực hiện: Formosa, thủ phạm phá hủy môi trường biển miền Trung, đã nhận tội, cúi đầu xin lỗi nhân dân toàn quốc trước ống kính truyền hình và chấp nhận bồi thường, khắc phục.

Ngày 20/6/2016, làm việc với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên và các bộ trưởng hữu quan tại Đắk Lắk, nghe báo cáo về nạn “rừng chảy máu”, 41% diện tích rừng Tây Nguyên đã bị xóa sổ, lâm tặc lộng hành, Thủ tướng đã chỉ đạo: “Kiên quyết thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác”.

Ông cũng yêu cầu đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên, coi đó là giải pháp quan trọng để ngăn chặn đầu ra cho nạn phá rừng, buôn lậu gỗ; chỉ đạo ngừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đến chiếm đất rừng và rừng; kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với các dự án thủy điện không chấp hành quy định trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Người đứng đầu Chính phủ giải thích quyết định của mình bằng một chân lý giản dị mà nhiều chuyên gia, học giả và nhân dân đã từng kiến nghị từ hai thập kỷ qua: "Mất rừng là mất Tây Nguyên, nóc nhà Đông Dương, trọng điểm quốc phòng-an ninh của đất nước".

Sau khi được Quốc hội khóa XIV bầu tiếp tục giữ chức Thủ tướng Chính phủ, thay cho những câu phát biểu ngắn gọn để hoàn thành thủ tục tuyên thệ, ông đã gửi đến 494 đại biểu Quốc hội và toàn thể đồng bào cử tri một thông điệp dài hơn 1.400 chữ.

Cảm nhận đầu tiên là ông không né tránh mà nhận diện rõ những khó khăn, thách thức cho nhiệm kỳ của mình, cũng là cho đất nước: “Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48 và GDP đầu người xếp thứ 133. Chúng ta phải cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới. Phát triển tốc độ cao hơn còn là yêu cầu cấp bách để đối phó với nguy cơ “chưa giàu đã già”, khi giai đoạn dân số vàng sẽ chấm dứt trong khoảng 10 năm tới. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất; dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp”.

Ông đã chỉ ra một trong những vấn nạn lớn nhất đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước: “Đặc biệt phải bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển; quyết không vì phát triển mà hủy hoại môi trường… Sự kiện Formosa cũng là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài. Chúng ta quyết không để tái diễn. Phải rà soát lại những dự án lớn, kiểm soát chặt chẽ các cam kết về môi trường, về chuyển giao công nghệ”.

Ông cũng đã nêu bật hai yếu tố then chốt cho việc phát triển đất nước và bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Đó là nhân tố con người và nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Ông nhấn mạnh: “Tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực… Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Ngày nay, nhân tài, hiền tài của Việt Nam ở cả trong nước và nước ngoài không thiếu, phải tạo mọi cơ hội để người tài cùng tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước. Hiền tài trong tương lai là thế hệ trẻ hôm nay. Chúng ta phải có trách nhiệm giáo dục, đào tạo lớp trẻ… Phải tạo cơ hội bình đẳng trong học tập, làm việc, thăng tiến để xuất hiện ngày càng nhiều nhân tài”.

Dẫn lời Vua Lê Thánh Tông và Chủ tịch Hồ Chí Minh để chỉ ra rằng, dân tộc ta đã có truyền thống pháp trị từ rất sớm, ông đã cam kết với Quốc hội và cử tri: “Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho; thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; quyết liệt phòng chống tham ô, lãng phí và nhũng nhiễu người dân. Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh”.

Người nghe cũng nhận thấy Thủ tướng đã nhìn rõ một vấn nạn đang làm suy yếu nguồn lực của đất nước, làm suy yếu niềm tin của nhân dân vào những người lãnh đạo đất nước, khi ông yêu cầu: “Phải bảo đảm các nguồn lực tiềm năng được sử dụng có hiệu quả. Thị trường vốn, đất đai, tài nguyên cần phải được phát triển lành mạnh, không để cho các nhóm lợi ích thao túng”.

Với những quyết định và hành động sau khi được bầu giữ cương vị đứng đầu cơ quan hành pháp từ hơn 100 ngày qua và từ thông điệp nhậm chức trong nhiệm kỳ mới với những cam kết ngắn gọn nhưng đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, người dân cảm nhận được những tín hiệu đầu tiên của một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động và phục vụ nhân dân.

Riêng với Thủ tướng, phong cách giản dị và thẳng thắn của ông đã để lại những ấn tượng tích cực và cảm giác thân thiện trong nhiều người dân.

Sau 4 tháng "cầm lái cỗ xe hành pháp", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thêm 60 tháng để lãnh đạo Chính phủ thực hiện những bước đột phá về thể chế, để kiến tạo những bước ngoặt tăng trưởng và phát triển, để tái cơ cấu nền kinh tế và đại tu bộ máy hành chính của mình, thực hiện mục tiêu giúp đất nước rút ngắn khoảng cách với thế giới trong cuộc hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.

Di sản để lại không mấy thuận lợi, nhiệm vụ sắp tới lại nhiều thách thức, nhiệm vụ của Thủ tướng thực không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu tập hợp được hiền tài, luôn giữ trọn đạo “Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” và được nhân dân ủng hộ, ông sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp và công tích của mình trong lịch sử Nhà nước pháp quyền của Việt Nam.

 Luật sư Trương Trọng Nghĩa
(Đại biểu Quốc hội khóa XIV)