• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) – Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ về Thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. (Chinhphu.vn) – Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ về Thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

11/04/2018 18:22

Tăng cường quản lý hoạt động liên quan tới Bitcoin, các loại tiền ảo

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị 10/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo (sau đây gọi tắt là tiền ảo), cũng như nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo…) vì tiền ảo có tính ẩn danh, hoạt động phân tán, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.

Để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.

Bộ Tài chính chỉ đạo các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền; nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO); chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời tăng cường điều tra và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố thông qua tiền ảo, hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật trên các website, ứng dụng thương mại điện tử.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu thực tiễn, thông lệ quốc tế, đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO).

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc người dân tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo. Không đưa các thông tin gây tâm lý bất lợi về tiền ảo, Bitcoin.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, thẩm quyền được giao chỉ đạo các Sở, ngành trực thuộc tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tiền ảo, đặc biệt là hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản; tuyên truyền, cảnh báo trên địa bàn để nâng cao nhận thức của người dân về những rủi ro, hệ lụy liên quan tới việc mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo.

Bổ sung mỏ đá vôi tỉnh Lai Châu vào quy hoạch

Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung mỏ đá vôi dolomite (21,55 ha) xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020; bổ sung vào danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu và các cơ quan liên quan thực hiện cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Bắc Giang

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Bắc Giang quyết định chuyển mục đích sử dụng 157,7 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.

Kiên Giang từng bước trở thành tỉnh năng động

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu nhằm xây dựng Kiên Giang trở thành tỉnh phát triển năng động, toàn diện, đạt trình độ phát triển khá trong cả nước; có kết cấu hạ tầng đồng bộ; đa số người dân thích nghi được với điều kiện biến đổi khí hậu và môi trường; các doanh nghiệp của tỉnh phát huy được cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế. Kiên Giang đóng góp quan trọng xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long giàu mạnh, tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh vững chắc.

Mục tiêu của Tỉnh là tổng sản phẩm địa phương (GRDP) bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 tăng khoảng 7,5 - 8%/năm (giá so sánh năm 2010), thời kỳ 2020 - 2030 GRDP tăng bình quân khoảng 8 - 9%/năm. Đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 2.855 - 2.930 USD và đạt khoảng 8.100 - 9.300 USD vào năm 2030.

Tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp chiếm 35 - 36%, công nghiệp - xây dựng chiếm 23 - 24% và dịch vụ chiếm 40 - 41% trong cơ cấu kinh tế vào năm 2020, tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp năm 2030 trên 75% tổng GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50% vào năm 2030...

Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn

Theo phương hướng phát triển, tỉnh Kiên Giang sẽ xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao trên thị trường gắn với tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu; quản lý khai thác tài nguyên đất, nước, rừng, nhất là rừng ngập mặn vùng ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển nông lâm thủy sản bền vững.

Hình thành các vùng trồng lúa hàng hóa có hệ thống hạ tầng đồng bộ, tạo thuận lợi để cơ giới hóa, đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống phù hợp với điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng; nghiên cứu, áp dụng mô hình luân canh lúa với các cây trồng khác như bắp, đậu nành, rau đậu hoặc nuôi thủy sản trên đất lúa.

Từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán ở hộ sang chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, xa trung tâm thành thị, khu dân cư.

Phát triển các ngành khai thác hải sản xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi trồng thủy sản ven biển, quanh đảo. Tiếp tục hoàn thiện và xây dựng mới kết cấu hạ tầng nghề cá ở ven bờ và các đảo lớn. Hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản hàng hóa gắn với ứng dụng công nghệ cao.

Kiên Giang phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông thủy sản, thực phẩm; công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghiệp cơ khí đóng, sửa chữa tàu; các ngành công nghiệp phụ trợ; phát triển ổn định công nghiệp vật liệu xây dựng, gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái.

Về dịch vụ, tỉnh tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị và giá trị gia tăng cao, tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển mạnh ngành thương mại, du lịch, dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin.

Phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm theo hướng đa dạng hóa các loại hình sản phẩm; nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; khuyến khích các sản phẩm bảo hiểm mới mang tính đột phá, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của người tham gia bảo hiểm...

Bãi bỏ Quyết định sửa đổi một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 387/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 2621) về sửa đổi một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.

Quyết định 387/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (10/4/2018). Đối với các hợp đồng tín dụng do các ngân hàng đã ký với khách hàng thuộc đối tượng ưu đãi tại Quyết định 2621 trước ngày 10/4/2018 thì tiếp tục được thực hiện đến khi kết thúc hợp đồng theo cơ chế ưu đãi tại Quyết định 2621.

Ngân sách nhà nước bố trí cấp bù cho các ngân hàng để tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký kết cho đến khi hợp đồng được tất toán. Quy trình thực hiện cấp bù tiếp tục được áp dụng theo Thông tư 199/2009/TT-BTC ngày 13/10/2009 của Bộ Tài chính.

Áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến về việc áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.

Theo ý kiến của Phó Thủ tướng, việc áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ từ ngày 1/1/2012 đến trước ngày 1/9/2016, Bộ Tài chính xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực thực hiện trong giai đoạn này.

Từ ngày 1/9/2016 trở đi, Bộ Tài chính thực hiện theo đúng quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13. Trường hợp phát sinh vướng mắc, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Ứng trước kinh phí bồi thường cho hộ dân DA luồng sông Hậu

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về tình hình triển khai thực hiện và tác động, ảnh hưởng của Dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu và các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Cụ thể, về việc bố trí khẩn cấp khoảng 30 tỷ đồng để chi trả bồi thường cho các hộ dân, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc ứng trước kinh phí thực hiện và tính toán vào kinh phí thực hiện Dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu theo quy định.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải trao đổi, thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh để giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền về việc thu hồi và đền bù toàn bộ diện tích trong phạm vi đã cắm mốc ghi nhận sạt lở 15m từ mốc giải phóng mặt bằng vào phía trong dọc bờ kênh Quan Chánh Bố và dọc sông Kênh Xáng, kinh phí thực hiện từ nguồn vốn của Dự án Luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2266/VPCP-KTTH ngày 12/3/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện giải ngân kế hoạch vốn giai đoạn 2014-2016 và thực hiện đầu tư các hạng mục thiết yếu của dự án giai đoạn 2. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh và các cơ quan liên quan thống nhất lựa chọn các hạng mục ưu tiên để thực hiện phù hợp với khả năng bố trí nguồn kinh phí và tổ chức triển khai thực hiện giai đoạn 2 của Dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu theo quy định của pháp luật.

Về việc hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Trà Vinh thực hiện Đề án cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông 4 xã đảo trên địa bàn huyện Duyên Hải, Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng, thẩm định Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh và các cơ quan liên quan tổ chức đánh giá tác động, ảnh hưởng của các dự án đầu tư trên tuyến luồng sông Hậu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về việc hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án; hỗ trợ cho tỉnh nguồn kinh phí dự phòng hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan thống nhất phương án giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện việc hỗ trợ tỉnh thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường phê duyệt đối với các dự án thuộc Trung tâm điện lực Duyên Hải; hướng dẫn thực hiện giải quyết việc giao khu vực biển để nhận chìm vật, chất nạo vét.

Về việc thực hiện nạo vét thông luồng vàm sông Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải kết hợp với tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước, Bộ Giao thông vận tải tổ chức hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền về việc hỗ trợ đầu tư 2 bến phà và nâng cấp đường trục chính Cù lao Tân Quy./.