In bài viết

Hạ tầng của hạ tầng: Bước đột phá nhận thức về CNTT

(Chinhphu.vn) – Hạ tầng của hạ tầng quốc gia – đây là một bước tiến mới trong nhận thức, tư duy về vai trò đặc biệt quan trọng của công nghệ thông tin với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

13/07/2012 14:22

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì buổi tọa đàm. - Ảnh: VGP/Thanh Hằng

Tham dự buổi tọa đàm về công tác truyền thông cho chủ đề “Công nghệ thông tin – hạ tầng của hạ tầng” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 13/7 tại Hà Nội, các đại biểu đã thống nhất nhận định nói trên.

Các vị đại biểu đã tập trung làm rõ ý nghĩa to lớn của nhận thức, tư duy mới này, về vai trò và nhiệm vụ chính của công tác truyền thông trong việc triển khai định hướng phát triển công nghệ thông tin giai đoạn mới.

Theo TS Nguyễn Bá Ân, Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Chỉ thị số 58/CT-TW năm 2000 của Bộ Chính trị khóa VIII về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đã đánh dấu bước ngoặt trong tư duy phát triển đất nước, tạo nhận thức mới về vai trò của công nghệ thông tin và đề ra những định hướng quan trọng.

TS Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện cho rằng, trong hơn 10 năm qua, ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam đã phát triển tương đương với trình độ thế giới, thể hiện ở hạ tầng công nghệ hiện đại không thua kém các quốc gia phát triển, mức độ phổ cập về ứng dụng công nghệ thông tin và giá dịch vụ cạnh tranh.

Trong những năm qua, công nghệ thông tin - truyền thông trở thành một trong những ngành có khả năng hội nhập và cạnh tranh với các nước khác trên thế giới. Năm 2011, giá trị gia tăng toàn ngành đã chiếm khoảng 17% GDP, Việt Nam đã đứng vào top 10 nước gia công phần mềm hấp dẫn nhất thế giới. Chính phủ điện tử Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á và tăng 7 bậc trong bảng xếp hạng thế giới so với năm 2010. Tính đến cuối tháng 6/2012, Việt Nam có khoảng 32,4 triệu người, chiếm hơn 1/3 dân số, sử dụng internet, tăng 10% so với cùng thời điểm năm 2011.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn cho rằng, sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin ở nước ta vẫn còn những khó khăn, trở ngại, mà nguyên nhân quan trọng hàng đầu là chưa nhận thức đầy đủ và từ đó là thể chế cho sự phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin còn chưa phù hợp.

Theo TS Nguyễn Bá Ân và TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, dù là một quyết định sáng suốt, nhạy bén, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng nhưng với Chỉ thị số 58, công nghệ thông tin mới chỉ được nhìn nhận như một ngành sản phẩm, một ngành kinh tế, chưa giúp hình thành một mũi động phá, một động lực tổng thể của nền kinh tế.

Đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ ba mũi đột phá quan trọng nhằm khắc phục các điểm nghẽn của tăng trưởng, trong đó có xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Triển khai ba mũi đột phá trên đây, Hội nghị Trung ương 4 đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó xác định, coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa hiện đại hóa trong từng ngành, từng lĩnh vực...

Tháng 6/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13/NQ-TW, trong đó có những nội dung quan trọng quy định nhiệm vụ chủ yếu của các ngành, các cấp thực hiện định hướng phát triển hạ tầng thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu rà soát, điều chỉnh, bổ sung Chiến lược phát triển công nghệ thông tin đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, xây dựng đề án quy hoạch phát triển công nghệ thông tin đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030... Chính phủ yêu cầu các bộ ngành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân, đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, triển khai thẻ Công dân điện tử; Chính phủ điện tử trên phạm vi cả nước.

Cũng theo Chương trình, tất cả các bộ ngành phải xây dựng xong đề án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin cho các ngành mình giai đoạn 2012-2020, để đầu tư cho công nghệ thông tin phải trở thành yêu cầu bắt buộc và được thể chế hóa.

Các đại biểu dự tọa đàm cho rằng, tầm nhìn mới đang mở ra cơ hội để nước ta vươn lên trở thành quốc gia mạnh bằng công nghệ thông tin chứ không chỉ là quốc gia mạnh về công nghệ thông tin.

Thanh Hằng