In bài viết

CPI tháng 9 tăng 1,06%

(Chinhphu.vn) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2013 so với tháng 8/2013 tăng 1,06%, so với tháng 12/2012 tăng 4,63%, so với tháng 9/2012 tăng 6,83%.

24/09/2013 14:48

 

Ảnh minh họa
Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng chính, do nhiều địa phương tăng học phí theo lộ trình tăng học phí của Bộ GDĐT. Trong tháng 9/2013 có 40 tỉnh, thành phố tăng giá dịch vụ giáo dục các loại. Đồng thời nhu cầu tiêu dùng sách vở, đồ dùng học tập tăng cao, đưa chỉ số chung của nhóm giáo dục tăng 9,38%, đóng góp 0,54% vào mức tăng chỉ số giá chung cả nước.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,65%. Trong đó, lương thực tăng 0,41%, thực phẩm tăng 0,87%. Nguyên nhân chủ yếu do chịu ảnh hưởng từ các cơn bão liên tiếp, mưa lớn kéo dài vào tháng 8/2013, cùng với ngày nghỉ lễ 2/9 kéo dài. Cụ thể, giá vận chuyển tăng nên giá gạo ở các tỉnh phía Bắc tăng 200-300 đồng/kg. Giá thịt lợn tăng khá cao ở mức 1,47%, thịt bò tăng 0,47%; thịt gà tăng 0,86%; thủy hải sản tăng 0,24%. Ăn uống ngoài gia đình tăng 0,19%.

Nhóm  đồ uống, thuốc lá tăng 0,22%, may mặc và giày dép tăng 0,29%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,91%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,23%. Nhóm hàng giao thông giảm 0,24%...

Giá điện được điều chỉnh tăng thêm 5% từ ngày 1/8/2013 cộng với nhu cầu tiêu dùng sinh hoạt trong mùa hè tăng. Giá gas thế giới tăng nên giá bán lẻ gas trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng giá 12.000 đồng/bình loại 12kg từ ngày 1/9/2013. Tuy nhiên, trong tháng 9/2013 giá xăng dầu được điều chỉnh giảm từ ngày 22/8/2013 cũng là yếu tố góp phần kìm hãm CPI tăng cao. 

Không tính vào chỉ  số CPI, chỉ số giá vàng tăng 1,97% và chỉ số giá USD giảm 0,26%. Lý do là giá vàng trong nước tăng theo giá  vàng thế giới. Còn các ngân hàng thương mại lý giải tỷ giá giảm là do nguồn cung từ phía các doanh nghiệp gia tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu tích trữ USD cũng giảm khi những ngày gần đây giá vàng và USD đều ổn định. Ngoài ra, việc NHNN tạm ngưng đấu thầu vàng cũng làm giảm sức ép lên thị trường ngoại tệ khi nhu cầu USD cho nhập khẩu vàng lắng xuống.

Nhìn lại diễn biến CPI 9 tháng đầu năm

Nhìn lại 3 quý từ đầu năm, diễn biến CPI tăng do một số nguyên nhân chính.

Điều chỉnh tăng lương của khu vực doanh nghiệp từ ngày 01/01/2013 và khu vực hưởng lương từ ngân sách Nhà nước từ ngày 01/5/2013. Thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán 2013, nghỉ lễ ngày 30/4, 1/5 và Quốc khánh 2/9 kéo dài, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ vui chơi giải trí tăng vào những dịp lễ hội, mùa du lịch, khai giảng... nên giá thực phẩm, giá dịch vụ tăng theo.

Giá xăng dầu được điều chỉnh 8 đợt trong đó có 4 đợt tăng giá vào các ngày 28/3/2013; 14/6/2013; 28/6/2013; 17/7/2013 và 4 đợt giảm giá vào các ngày 9/4/2013; 18/4/2013; 26/4/2013; 22/8/2013. Tổng hợp chung 9 tháng đầu năm 2013, giá xăng tăng 1.120 đồng/lít (tăng 4,74% so với cuối năm 2012); dầu hỏa tăng 420 đồng/lít (tăng 1,95%); dầu diezel tăng 760 đồng/lít (tăng 3,53%).

Giá bán điện cho sản xuất và sinh hoạt cũng được điều chỉnh tăng 5% kể từ  ngày 1/8/2013, đợt tăng giá điện 5% vào tháng 12/2012 cũng ảnh hưởng vào CPI năm 2013.

Có 17 tỉnh, thành phố  áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/2/2012 làm cho nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 18,67% so với tháng 12 năm trước, đóng góp vào chỉ số CPI xấp xỉ 1,05%;

Có 46 tỉnh, thành phố điều chỉnh học phí các loại theo lộ trình tăng học phí của Bộ Giáo dục theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ làm cho nhóm giáo dục tăng 10,98% so với tháng 12 năm trước, đóng góp vào chỉ số CPI 0,63%;

Tuy nhiên, CPI 9 tháng đầu năm nay tăng không cao so với các năm trước do giá lương thực giảm, thực phẩm khá ổn định. Nguồn cung dồi dào kèm theo sức tiêu thụ của người dân năm nay không cao như những năm trước.

Huy Thắng