In bài viết

Triển khai 4 mô hình của Chương trình bảo vệ trẻ em

(Chinhphu.vn) - Cả 4 mô hình của Chương trình bảo vệ trẻ em sẽ được TP.HCM xây dựng tới từng phường, xã.

26/03/2014 17:35
Mô hình chăm sóc trẻ em phải làm việc năng nhọc sẽ giúp các em có thêm thời gian học tập, vui chơi. Ảnh: VGP/Đỗ Cường
Để Dự án “Xây dựng và nhân rộng mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng” đạt hiệu quả cao, TPHCM đã triển khai thành 4 mô hình cụ thể với mục tiêu xây dựng hệ thống chăm sóc bảo vệ trẻ em tới từng phường, xã.

Theo đó, mô hình trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng sẽ được triển khai tới từng tổ, ấp, khu phố để vận động và tạo điều kiện cho trẻ  em khuyết tật được đến trường chuyên biệt ngày càng cao.

Bên cạnh các chính sách của Nhà nước, TPHCM sẽ kết hợp với cộng đồng hỗ trợ và chăm sóc những trẻ em này để xây dựng mô hình gia đình chăm sóc thay thế, nhằm đem đến cho các em những điều kiện vui chơi, học tập tốt nhất.

Dự án cũng đã xây dựng mô hình duy trì và nhân rộng mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với độc hại dựa vào cộng đồng. Thành phố đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để cung cấp kỹ năng, kiến thức, giúp các trẻ nắm bắt được những tác hại của công việc. Đồng thời, tổ chức tham vấn hơn 300 cuộc để thuyết phục những trẻ lang thang hồi gia.

Đội ngũ 12.000 cộng tác viên về kế hoạch hóa gia đình và trẻ em của Thành phố tại cơ sở đã tích cực gặp gỡ gia đình, thuyết phục giảm giờ lao động kiếm sống để trẻ được tham gia học tập, vui chơi. Để giải quyết tận gốc tình trạng trẻ em phải làm việc năng nhọc, nguy hiểm, Sở LĐTBXH đã phối hợp với các quỹ khuyến học, quỹ phi chính phủ và các nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí giúp các em học nghề, học văn hóa.

Mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng được các cán bộ chuyên trách trẻ em, bình đẳng giới của xã phường và cộng tác viên khu phố thường xuyên thăm hỏi, tư vấn tâm lý cho trẻ em và gia đình để giúp trẻ lấy lại niềm tin, sống lạc quan và hòa nhập với cộng đồng.

Đặc biệt, trong mô hình phòng ngừa trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng được xem là mô hình cần nhiều đến sự trợ giúp của các tổ chức, cơ quan ban ngành nhiều nhất.

Bên cạnh việc tổ chức các lớp tư vấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng, kỹ năng tự bảo vệ mình cho đối tượng là người chưa thành niên vi phạm pháp luật, TPHCM đã mở nhiều lớp bồi dưỡng cho các cán bộ cơ quan tư pháp, cán bộ công an cấp quận, phường về việc xử lý chuyển hướng với trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ tại phường, khu phố để tổ chức sinh hoạt định kỳ với phụ huynh của người chưa thành niên vi phạm pháp luật hoặc có nguy cơ vi phạm pháp luật; tư vấn dạy nghề, học nghề và tạo công ăn việc làm.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em năm 2013 và sơ  kết 3 năm (2011-2013) triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã  phường phù hợp với trẻ em (tổ chức ngày 25/3 tại TPHCM), bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, trong năm 2013, TPHCM đã có tỷ lệ xã, phường được công nhận xã, phường phù hợp với trẻ em là 98% đạt chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, do tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, trong đó có tỷ lệ trẻ em theo gia đình đến làm ăn sinh sống tại Thành phố tăng mạnh đã tạo áp lực trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cũng như chính sách chăm lo toàn diện cho trẻ em.

Hiện tại, TPHCM còn khoảng gần 70.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Vì vậy, trong năm 2014, Thành phố sẽ tập trung giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cùng với đó triển khai thành lập Ban điều hành các cấp về chăm sóc trẻ em và tăng cường các hoạt động dịch vụ chăm sóc trẻ em; thực hiện BHYT 100% cho trẻ dưới 6 tuổi.

Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em như: Dự án Bạn hữu trẻ em, Dự án Chăm sóc cho trẻ  bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, Dự án Hệ thống tư pháp thân thiện với người vị thành niên…

Thanh Thủy