In bài viết

Một số dự báo về thành tựu khoa học – công nghệ năm 2010

(Chinhphu.vn)- Dự án điều tra "dân cư" đại dương, máy bay vận tải quân sự tiên tiến nhất A 400 M, truyền hình di động Mobile Digital TV… là những thành tựu khoa học - công nghệ được dự báo sẽ “trình làng” trong năm 2010.

11/02/2010 17:01

Tạp chí khoa học hàng đầu  “Popular Science” của Mỹ vừa công bố một loạt dự báo về thành tựu khoa học – công nghệ thế giới trong năm 2010.

Năm 2010, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ phát hiện thêm 1.400 loài sinh vật biển. Ảnh minh họa

Dự án điều tra “dân số” sinh vật biển

Sau khi đã xác đinh được khoảng 1/4 triệu các loài sinh vật biển, năm 2010, các nhà khoa học dự kiến sẽ phát hiện thêm được 1.400 loại. Hiện 2.000 nhà khoa học của hơn 80 quốc gia trên thế giới đang thực hiện “Dự án điều tra dân cư đại dương (CoML)” và sẽ công bố kết quả vào ngày 1/10 năm nay.

Từ kết quả của cuộc điều tra trên, nhiều khả năng các hoạt động đánh bắt cá tại những vùng biển dễ bị tổn thương trên thế giới sẽ bị cấm.

Các nhà khoa học của CoML xây dựng những mô hình máy tính để dự báo tương lai của các hệ sinh thái đại dương, kiểm tra mức đa dạng sinh học hàng năm, khi nào các loại  sinh vật đại dương sẽ biến mất nếu tốc độ đánh bắt cá tiếp tục như hiện nay và khi nào các rạn san hô sẽ bị tiêu diệt do nồng độ acid trong nước biển và do biến đổi khí hậu. Nhiều nghiên cứu thực hiện nhờ những công nghệ tiên tiến nhất, như máy định vị dưới nước, phân tích DNA.

Y dược

Năm 2010, một loạt công ty dược phẩm sẽ mất độc quyền sản xuất nhiều loại thuốc có thương hiệu và họ có thể phải nhượng lại khoảng 140 tỷ USD về doanh thu bán hàng vào năm 2016 khi các loại thuốc này được sản xuất đại trà và bán trên thị trường.

Tháng 11/2010, hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ sẽ mất độc quyền sản xuất một trong những lại thuốc mang lại nhiều lợi nhuận nhất, đó là: Lipitor, loại thuốc này thu được 12,4 tỷ USD năm 2008 và luôn ở vị trí những lại thuốc mang lại nhiều lợi nhuận nhất trong lịch sử.

Hiện các công ty dược phẩm đang tập  tập trung sản xuất những loại thuốc phức tạp để chống lại bệnh béo phì, ung thư và các bệnh về thần kinh, hệ miễn dịch.

Chiếc A 400 M này có thể bay xa 7.000km với vận tốc tối đa  560km/h. Ảnh: Pilot.vn

Máy bay A 400M

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng chiếc máy bay vận chuyển quân sự tiên tiến nhất thế giới - A 400M đã được đưa vào bay thử nghiệm chuyến đầu tiên.

A 400 M là máy bay 4 động cơ phản lực cánh quạt do hãng Airbus thiết kế nhằm đáp ứng như cầu của các quốc gia châu Âu về máy bay vận tải quân sự. Với lượng tải cung ứng gấp đôi so với các loại máy bay tương đương hiện có, A 400 M được coi là cầu hàng không mới của thế kỷ 21.

Mùa hè 2010, Airbus dự định sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm đối với 3 chiếc A 400 M. Nếu các chuyến bay thành công, hãng Airbus sẽ giao những sản phẩm đầu tiên cho Pháp vào năm 2013. Đến nay, đã có 9 quốc gia đặt mua 180 chiếc A 400M, trong đó nhiều nhất là Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh.

Vệ tinh Cryosat-2

Tháng 2/2010, cơ quan Hàng không châu Âu (ESA) sẽ thử nghiệm lần thứ 2 vệ tinh Cryosat - 2 được thiết kế sau khi vệ tinh Cryosat - 1 bị thất bại năm 2005.

Cryosat - 2 được đưa lên vũ trụ để đo băng tại điểm cực trái đất và cung cấp những dữ liệu xác thực cho việc nghiên cứu hiện tượng trái đất ấm lên. Trong 3 năm rưỡi trên quỹ đạo, CryoSat - 2 sẽ thu nhận thông tin chính xác về độ dày của các lớp băng và của vùng đất tiếp giáp.

Truyền hình di động

Năm 2010, lần đầu tiên, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình tại một số thành phố của Mỹ sẽ truyền các game trực tuyến không chỉ trên màn hình ti - vi mà còn ở các máy điện thoại, máy vi tính và các thiết bị di động khác.

Dịch vụ mới này gọi là Mobile Digital TV (truyền hình di động số) cho phép các thiết bị không dây trang bị chip điều chỉnh tín hiệu (tuner chip) có thể nhận được tín hiệu từ các trạm phát sóng. Hiện các nhà sản xuất chương trình truyền hình tại 17 thành phố lớn đã lắp đặt các thiết bị truyền sóng để truyền các chương trình trực tiếp và miễn phí tới các thiết bị di động.

Ôtô điện Chevrolet Volt của General Motor có thể chạy được 64 km bằng động cơ điện rồi mới chuyển sang chế độ chạy động cơ xi - lanh.

Ôtô điện

Trước yêu cầu bảo vệ môi trường, các loại xe ôtô điện như Chevrolet Volt (Mỹ),  Leaf (Nhật Bản)... sẽ được đưa vào sử dụng năm 2010, đánh dấu của sự trở lại của xe ô tô điện.

Mùa đông năm nay, chiếc Chevrolet Volt của hãng chế tạo xe hơi hàng đầu của Mỹ General Motors (GM) được đưa vào sử dụng. Volt trị giá 40.000 USD, chạy bằng pin lithi-ion trong vòng 64km trước khi chuyển qua động cơ xi-lanh 4 kỳ bằng nhiên liệu gasoline. Hiện  có khoảng 50.000 khách đang xếp hàng chờ mua Volt.

Cuối năm 2010, chiếc xe điện thứ hai Leaf- do hãng Nissan chế tạo sẽ ra đời với hy vọng  vượt qua Volt vì sử dụng loại pin lớn hơn cho phép chạy được chặng đường khoảng 160km. Leaf có trị giá khoảng 30.000 USD, xạc pin mất từ 6-12 giờ. Hiện đã có khoảng 22.000 khách hàng đăng ký sở hữu loại xe này.

 Linh Đức