In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/7/2016.

09/07/2016 08:48
Sửa đổi, bổ sung quy định về thanh toán không dùng tiền mặt

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là: 1- Tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; 2- Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Chủ tài khoản thanh toán (chủ tài khoản) là cá nhân đứng tên mở tài khoản đối với tài khoản của cá nhân hoặc là tổ chức mở tài khoản đối với tài khoản của tổ chức.

Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (phương tiện thanh toán) bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỉ lệ 1:1.

Cấm sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp


Theo Nghị định số 80/2016/NĐ-CP, ngoài các hành vi bị cấm như: Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán; mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh thì hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp cũng bị cấm.

Nghị định cũng sửa đổi quy định về việc mở tài khoản thanh toán cho cá nhân và tổ chức không phải là tổ chức tín dụng. Theo đó, người mở tài khoản thanh toán là cá nhân phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự; người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Người chưa đủ 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật.

Về phong tỏa tài khoản thanh toán, Nghị  định 80/2016/NĐ-CP quy định: Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền thì tài khoản thanh toán bị phong tỏa. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.

Ngoài ra, Nghị định số 80/2016/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về dịch vụ thanh toán; các dịch vụ trung gian thanh toán và điều kiện cung ứng dịch vụ này; quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp, thu hồi và cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Những quy định trên có hiệu từ ngày 1/7/2016.

Kinh phí đảm bảo cho công tác điều ước quốc tế


Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 74/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế.

Nghị định này quy định về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác ký kết và thực hiện điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ theo quy định của Luật điều ước quốc tế năm 2016 (công tác điều ước quốc tế) và công tác ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan nhà nước ở Trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức theo quy định của Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007 (gọi chung là công tác thỏa thuận quốc tế).

Nguyên tắc quản lý và sử dụng kinh phí

Theo Nghị định, kinh phí cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế được bảo đảm từ ngân sách nhà nước phù hợp với quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Việc bố trí kinh phí cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế của các cơ quan phải căn cứ trên cơ sở chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện hợp tác quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Kinh phí bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các cơ quan thực hiện công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế.

Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Trường hợp công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế được tài trợ từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức và cá nhân khác ở trong và ngoài nước thì việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn tài trợ đó.

Nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế

Nghị  định quy định rõ, Ngân sách trung ương bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế gồm: 1- Kinh phí cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế của cơ quan nhà nước ở trung ương; 2- Kinh phí cấp cho cơ quan cấp tỉnh nhằm thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ điều ước quốc tế hoặc thực hiện hoạt động thỏa thuận quốc tế theo phân công của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngân sách cấp tỉnh bảo đảm cho công tác thỏa thuận quốc tế của cơ quan cấp tỉnh nhằm thực hiện hợp tác quốc tế thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan cấp tỉnh.

Kinh phí cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế của cơ quan trung ương của tổ chức được bảo đảm từ ngân sách nhà nước trong trường hợp cơ quan đó thực hiện hợp tác quốc tế trong khuôn khổ điều ước quốc tế hoặc theo sự phân công của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp thỏa thuận quốc tế của cơ quan trung ương của tổ chức nhằm thực hiện hợp tác quốc tế khác thì kinh phí cho ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế đó được bảo đảm từ nguồn tài chính của cơ quan trung ương của tổ chức.
 
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016

Hạn chế tình trạng xin lùi thời hạn trình văn bản; chủ động điều hành chính sách tiền tệ; kiên quyết không cấp phép đối với các dự án không bảo đảm môi trường; đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể, đột phá... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết 59/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực; ưu tiên thời gian, nguồn lực thực hiện các giải pháp xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương; tăng cường thực hiện tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh khâu tổ chức thực hiện, đưa cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả trong cuộc sống.

Hạn chế tình trạng xin lùi thời hạn trình văn bản

Nhiệm vụ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đặc biệt là triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết 6 tháng cuối năm 2016 rất nặng nề, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cần dành sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên chỉ đạo, tập trung thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành.

Bên cạnh đó, cải tiến thủ tục, rút ngắn thời gian soạn thảo, thẩm định, thẩm tra; đổi mới cách thức phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, hạn chế tình trạng xin lùi thời hạn trình văn bản.

Thí điểm đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc dùng trong BHYT

Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính về việc thí điểm giao Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (không thuộc danh mục 5 hoạt chất đấu thầu tập trung quốc gia do Bộ Y tế tổ chức đấu thầu) theo quy định.

Giao Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Y tế thống nhất danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức đấu thầu. Bộ Y tế ban hành Danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức đấu thầu theo quy định.

Về việc thành lập đơn vị mua sắm tập trung thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế, Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng và trình đề án thành lập đơn vị mua sắm tập trung thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế theo quy định. Trước mắt, đồng ý Bộ Y tế thành lập Ban mua sắm tập trung để triển khai nhiệm vụ đấu thầu thuốc của Bộ Y tế ngay trong năm 2016 theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, bảo đảm không tăng biên chế hành chính - sự nghiệp, quản lý chặt chẽ, minh bạch, không để tiêu cực, tham nhũng xảy ra.

Chủ động điều hành chính sách tiền tệ

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, vàng trong nước và quốc tế để chủ  động điều hành chính sách tiền tệ, hạn chế tác động tiêu cực đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng theo mục tiêu của Quốc hội. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các kịch bản về khả năng tăng trưởng và lạm phát để chủ động điều hành phù hợp trong mọi tình huống, nhất là tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Rà soát các dự án ODA và nguồn vốn vay ưu đãi, đề xuất Thủ tướng Chính phủ loại bỏ các dự án không cần thiết, kém hiệu quả.

Bộ Tài chính theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính thế giới, đặc biệt là việc Anh rời Liên minh Châu Âu liên quan đến nghĩa vụ trả nợ công của Việt Nam để đánh giá tác động, kịp thời đề xuất các giải pháp ứng phó. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 3/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2016. Rà soát, quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài sản công của các cơ quan, đơn vị.

Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi tình hình quan hệ thương mại của nước ta với các đối tác lớn, đánh giá tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Theo dõi giá dầu thô thế giới, điều chỉnh kế hoạch khai thác dầu thô. Tổ chức hội nghị chuyên đề tháo gỡ khó khăn cho các ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Đề xuất chính sách hỗ trợ người dân khu vực bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung nâng cao năng lực sản xuất, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên; chỉ đạo mở rộng sản xuất thâm canh tăng vụ trong vụ hè thu và thu đông; hỗ trợ khôi phục sản xuất; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... bảo đảm tăng trưởng nông nghiệp. Phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ người dân khu vực bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công thuộc lĩnh vực quản lý. Xây dựng phương án phát triển dịch vụ vận tải với cơ cấu hợp lý, hiệu quả. Nâng cao chất lượng vận tải đường bộ và đường hàng không; tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa. Tạo môi trường cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải. Chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính xây dựng cơ chế huy động vốn đầu tư và dự kiến nguồn vốn đầu tư để xây dựng hệ thống đường cao tốc giai đoạn 2016-2020.

Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ lãi suất để phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đồng thời tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, bền vững.

Kiên quyết không cấp phép cho dự án không bảo đảm môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra việc khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản, nhất là đất đai, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật. Khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai. Kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, kiên quyết không cấp phép đối với các dự án không bảo đảm môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ yếu tố môi trường. Chỉ đạo rà soát trên phạm vi cả nước các cơ sở sản xuất tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để có giải pháp kịp thời.

Ủy ban nhân dân các cấp đổi mới phương thức làm việc theo tinh thần phục vụ doanh nghiệp và Nhân dân; khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo các Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo, đôn đốc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực lợi thế của địa phương; đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành những vấn đề theo thẩm quyền để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc triển khai và đưa cơ chế, chính sách vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Thực hiện tốt chính sách đền ơn, đáp nghĩa

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện tốt chính sách đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công, nhất là dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ 27 tháng 7. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Phối hợp với Bộ Công an và các địa phương quản lý chặt chẽ lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Bộ Y tế chủ trì thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh phục vụ Nhân dân. Củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh lớn xảy ra. Phối hợp với các ngành, các cấp tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động có phương án bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo và lợi ích quốc gia; bảo đảm an toàn các hoạt động kinh tế biển và quyền lợi của ngư dân. Có phương án đấu tranh, ngăn chặn kịp thời mọi hoạt động chống phá, kích động gây rối của các thế lực thù địch, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tăng cường phòng, chống cháy nổ; phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình Biển Đông để chủ động có các phương án ứng phó kịp thời.

Khẩn trương xây dựng, triển khai  đề án xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập

Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể  để tập trung thực hiện cổ phần hóa, thể hiện rõ chủ trương thoái vốn những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ, không phân biệt quy mô, kể cả doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Từng bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện đề án xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của mình.

Thanh tra Chính phủ tiếp tục triển khai thanh tra theo kế hoạch, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, dư luận xã hội quan tâm. Đổi mới công tác xây dựng định hướng kế hoạch thanh tra theo hướng đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm, đánh giá hiệu lực, hiệu quả trên các lĩnh vực quản lý nhà nước; việc ban hành cơ chế, chính sách của các bộ, ngành Trung ương nhằm phát hiện những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng. Xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các trường hợp đưa tin không đúng sự thật.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước

Về kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện chỉ  đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nhận định việc chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của một số cơ quan chưa nghiêm. Nhiều công việc nêu trong các Chương trình hành động, Nghị quyết của Chính phủ, các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành khác chưa được triển khai đúng tiến độ, chưa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa được quan tâm đúng mức, việc phát hiện vi phạm, xác định trách nhiệm và xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm. Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý của nhiều bộ, cơ quan, địa phương về kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa được quan tâm đúng mức.

Những tồn tại, hạn chế trên đây ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương nền hành chính, kỷ cương xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin của Nhân dân và doanh nghiệp, tác động xấu đến kỷ cương xã hội, cần được kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể, đột phá

Về kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2016, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức trách, nhiệm vụ của mình, tổ chức rút kinh nghiệm, khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế để công tác chỉ đạo, điều hành chuyển biến tích cực hơn, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2016.

Bên cạnh đó, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ  đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể, đột phá, mang lại hiệu quả thực chất. Đặc biệt chú trọng khâu tổ chức thực hiện để chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Gắn việc chỉ đạo, triển khai với công tác đôn đốc, kiểm tra, xử lý nghiêm việc chậm trễ thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Thường xuyên rà soát chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ kịp thời, hiệu quả. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, khắc phục ngay tình trạng chậm triển khai hoặc để quá hạn các nhiệm vụ. Tập trung kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chủ trương, chính sách và các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là đối với một số lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm.

Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục đã phê duyệt


Để thúc đẩy việc triển khai thực hiện các giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ và công khai tiến độ xử lý hồ sơ công việc trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Bên cạnh đó, thực hiện việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trong năm 2016 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết tích hợp thử nghiệm các dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Về việc thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ đã đề ra.

Các địa phương chưa ban hành Chương trình, Kế hoạch thực hiện cần khẩn trương ban hành, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của từng sở, ban, ngành trong thực hiện Nghị quyết. Các Bộ, ngành, địa phương chậm hoặc chưa ban hành Chương trình, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết, chậm hoặc chưa có báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, có giải pháp cụ thể đề cao trách nhiệm, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác này.

Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP tại một số Bộ, ngành, địa phương để triển khai trong năm 2016.
       
Nâng mức trợ cấp đối với thanh niên xung phong

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định điều chỉnh chế độ trợ cấp hàng tháng đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh trợ cấp đối với thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến từ 360.000 đồng/tháng lên 540.000 đồng/tháng kể từ ngày 1/1/2016.

Trường hợp thanh niên xung phong từ trần kể từ ngày 1/1/2016 nhưng chưa được điều chỉnh trợ cấp theo Quyết định này thì người tổ chức mai táng được truy lĩnh khoản tiền chênh lệch do điều chỉnh trợ cấp kể từ ngày 1/1/2016 đến tháng thanh niên xung phong từ trần (số tiền 180.000 đồng/tháng).

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2016.
 
Phê chuẩn nhân sự 3 tỉnh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký các Quyết định phê chuẩn nhân sự 3 tỉnh: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Điện Biên.

Cụ thể, tại Quyết định số 1296/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại Quyết định 1297/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với: Ông Đặng Quốc Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2011-2016; ông Dương Tất Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2011-2016; ông Đặng Ngọc Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, tại Quyết định 1313/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại Quyết định 1316/QĐ-TTg, Thủ tướng cũng đã phê chuẩn kết quả bầu các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2011-2016; bà Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2011-2016; ông Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2011-2016; ông Lê Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2011-2016; ông Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2011-2016.

Đối với tỉnh Điện Biên, Thủ tướng có Quyết định số 1315/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại Quyết định 1305/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lê Thành Đô, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2011-2016; ông Lê Văn Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2011-2016; ông Lò Văn Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2011-2016.

Tổ chức lại BCĐ các Chương trình KHCN quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1325/QĐ-TTg về việc tổ chức lại Ban Chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia.

Cụ thể, tổ chức lại 3 Ban Chỉ đạo của các Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, thành một Ban Chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia (Ban Chỉ đạo).

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo.

Các Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương; Bộ Quốc phòng; Văn phòng Chính phủ.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ của Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 (các Chương trình).

Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, cơ chế, chính sách và các giải pháp để thực hiện các Chương trình cho từng thời kỳ, từng giai đoạn.

Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng các cơ chế chính sách và giải pháp về tài chính, thuế, thị trường, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và các cơ chế, chính sách khác cho các Chương trình.

Thành viên Ban Chỉ đạo hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo và sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Cơ quan chuyên trách giúp việc Ban Chỉ đạo là Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
  
Giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao kế hoạch đầu tư và danh mục dự án đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 (đợt 2) cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước kế hoạch năm 2016 là 211,422 tỷ đồng. Dự án khởi công mới năm 2016 với vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước là 584,739 tỷ đồng gồm: Trường Đại học Sự phạm Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh; Cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu 2 Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh cơ sở 2; Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chi tiết danh mục dự  án và mức vốn kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 của từng dự án.

Bên cạnh đó, chủ trì kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2016; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và  Đào tạo thông báo cho các đơn vị danh mục và mức kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 cho từng dự án theo quy định và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30/6/2016; thực hiện giải ngân và báo cáo giải ngân theo quy định.

Cần Thơ phấn đấu là trung tâm khởi nghiệp vùng

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (GRDP) đạt 28.755 tỷ đồng, tăng 6,82%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,6%, các sản phẩm chủ lực tăng khá; giá trị ngành dịch vụ đạt 17.923 tỷ đồng, tăng 6,85%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 43.400 tỷ đồng, tăng 10,5%; thu ngân sách đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ; đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 634 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 3.000 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 11.497 doanh nghiệp.

Các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục phát triển, giáo dục và đào tạo, y tế, giải quyết việc làm, chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo được quan tâm; lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào xây dựng và phát triển Thành phố được củng cố và nâng lên; an ninh chính trị và trật   tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, kinh tế-xã hội của Thành phố vẫn còn một số khó khăn, nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng kết nối Thành phố với các địa phương trong vùng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do hạn hán và xâm nhập mặn; xuất khẩu giảm so với cùng kỳ; sản phẩm du lịch đặc thù và chất lượng dịch vụ du lịch còn hạn chế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thành phố Cần Thơ cần chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và có cơ chế thông thoáng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời thu hút mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư, tạo bước đột phá trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao, tạo thêm nhiều việc làm mới và tăng thu nhập cho người lao động; Cần Thơ đi đầu, là trung tâm khởi nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố Cần Thơ cần tăng cường quản lý các quy hoạch và nâng cao tầm nhìn quy hoạch, trước hết là quy hoạch đất đai, đô thị, môi trường, quản lý tài nguyên nước gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình nhằm ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ có tiềm năng, lợi thế; biến những khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu thành cơ hội, động lực thúc đẩy phát triển mới (chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp và đa dạng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ…).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành phố Cần Thơ cần chủ động tham gia thực hiện tốt liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng, khắc phục khó khăn, cùng phân công, điều phối giữa các địa phương trong vùng, tổ chức sản xuất các sản phảm hàng hóa chất lượng cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị.

  Đồng thời liên kết với các địa phương, thành phố lớn trong nước, kết nối với khu vực và quốc tế để trao đổi, tiếp thu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, tìm kiếm, mở rộng thị trường để thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Thành phố Cần Thơ cũng cần giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
   
Rà soát các nhiệm vụ trình Chính phủ của Ủy ban Dân tộc

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 5568/VPCP-V.III truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2016 của Ủy ban Dân tộc.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý rút khỏi Chương trình công tác năm 2016 của Ủy ban Dân tộc 3 đề án: Chiến lược hội nhập quốc tế về công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chính sách hỗ trợ lao động dân tộc thiểu số làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp ở các thành phố lớn trong nước; Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020.

Ủy ban Dân tộc lồng ghép Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vào nội dung Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 8/2016.

Ủy ban Dân tộc hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020 theo chuẩn nghèo đa chiều; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 9/2016. Trên cơ sở đó, hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong quý IV năm 2016.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Đề án cấp một số ấn phẩm, báo chí cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017-2020 vào Chương trình công tác năm 2016 của Ủy ban Dân tộc; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 7/2016.

Ủy ban Dân tộc xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2012/NĐ-CP ngày 12/10/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc sau khi cơ cấu Chính phủ khóa XIV được Quốc hội thông qua.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đề án xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc và xây dựng bản danh mục các dân tộc Việt Nam, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt khi đủ điều kiện.
   
Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo ATGT
  
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, ATGT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016.

Để đạt mục tiêu giảm từ 5% đến 10% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông cả năm 2016; giảm số vụ ùn tắc giao thông cũng như ngăn chặn các vụ tai nạn giai thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1095/CĐ-TTg ngày 24/6/2016 về tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự, ATGT trong quý III/2016 và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/7/2016 về việc tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa trong tình hình mới.

Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và  đề án thuộc Chương trình công tác năm 2016, nhất là các đề án liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, trong đó Luật đường sắt (sửa đổi) đề nghị trình trong Quý III/2016; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương lập Dự án tăng cường ATGT của kết cấu hạ tầng các tuyến quốc lộ trọng yếu giai đoạn 2016-2020, xác định rõ về nguồn vốn và cơ chế thực hiện; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Giao thông vận tải địa phương đẩy mạnh triển khai công tác thẩm định ATGT để phát hiện và xử lý những bất cập về ATGT; rà soát, điều chỉnh, bổ sung thiết bị phân luồng, phân làn, biển báo, tín hiệu giao thông trên mạng lưới đường bộ, đường thuỷ nội địa; có phương án tổ chức, đảm bảo giao thông, chống sạt lở trên đường bộ, chống va trôi tại các vị trí cầu vượt sông, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Đồng thời tiếp tục siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ và đường thuỷ nội địa; phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện nghiêm kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn hàng không và hàng hải.

Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đối với khai thác và bảo dưỡng tàu bay, bảo đảm hoạt động bay, khai thác cảng hàng không, sân bay; rà soát, kiểm tra, khắc phục dứt điểm những yếu tố bất cập, có nguy cơ gây mất an toàn trong hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không; thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra an ninh đối với hành khách, hàng hoá qua cảng hàng không.

Xử lý nghiêm lỗi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp tục chỉ  đạo Công an các địa phương huy động tối đa lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát theo các chuyên đề và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, ATGT, nhất là các lỗi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn; quan tâm tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trên địa bàn nông thôn, miền núi. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm trật tự, ATGT và đấu tranh chống tội phạm trên đường thủy nội địa.

Bộ Công an đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông gắn với bình yên sông nước” giai đoạn 2016-2020.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia và các bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động về bảo đảm trật tự, ATGT 06 tháng cuối năm 2016; đồng thời chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Phát động cuộc thi “Giao thông học đường” trên Internet

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tài liệu giảng dạy ATGT; ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác giáo dục ATGT cho học sinh, sinh viên trong dịp đầu năm học mới 2016-2017; đồng thời, triển khai Kế hoạch tuyên truyền ATGT năm học mới 2016-2017; phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia phát động cuộc thi “Giao thông học đường” trên Internet năm học 2016-2017 nhằm đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT cho học sinh các cấp học.

Các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, ATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông; đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự, ATGT đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn; tập trung tuyên truyền vào các đối tượng có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông như lái xe khách, thanh, thiếu niên trên địa bàn nông thôn; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn.

Chấm dứt sử dụng lái xe có dương tính với các chất ma túy

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ và đường thuỷ nội địa; tổ chức tập huấn, phổ biến quy định pháp luật cho người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện, chú trọng nội dung về tổ chức, quản lý, sử dụng lao động (lái xe, thuyền viên); yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức khám sức khỏe cho toàn bộ đội ngũ lái xe, chấm dứt sử dụng lái xe có dương tính với các chất ma túy...

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ  đạo các cấp chính quyền tăng cường thực hiện các biện pháp cảnh giới, bảo đảm ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt không có rào chắn; bảo đảm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, ngăn chặn hành vi xâm phạm hàng rào, công trình bảo vệ đường cao tốc; tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn nông thôn, rà soát và khắc phục các điểm nguy cơ gây tai nạn giao thông trên tuyến đường nông thôn; kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh điều kiện bảo đảm an toàn của bến đò ngang, bến khách ngang sông và phương tiện thuỷ chở khách.

Xử lý tình trạng "xe dù, bến cóc"

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 5615/VPCP-KTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về đề nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội liên quan đến tình trạng "xe dù, bến cóc" trong hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô.

Phó Thủ tướng giao Bộ giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội theo hướng siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý vi phạm cạnh tranh không lành mạnh, gây mất trật tự an toàn giao thông.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, trình Chính phủ trong quý III/2016./.