In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 19/4/2018.

20/04/2018 08:47
Tăng cường cảnh báo, kiểm tra, giám sát, xử lý doanh nghiệp thua lỗ

Xét báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu và các cơ quan liên quan tăng cường cảnh báo; kiểm tra; giám sát và xử lý đối với các doanh nghiệp thua lỗ, có dấu hiệu mất an toàn về tài chính theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả thực hiện với cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan: Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND các tỉnh: Bắc Giang, Bình Dương, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kiên Giang, Kon Tum, Lào Cai, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế rút kinh nghiệm việc không thực hiện báo cáo, báo cáo không đúng mẫu biểu theo quy định.

Các bộ, cơ quan trên khẩn trương gửi báo cáo về Bộ Tài chính theo đúng quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

Nghiên cứu phản ánh Việt Nam trong Top 10 nước bị lộ thông tin trên Facebook nhiều nhất

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xử lý thông tin phản ánh "Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia bị lộ thông tin trên Facebook nhiều nhất".

Trước đó, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) ngày 6/4/2018 đưa tin: "Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia bị lộ thông tin trên Facebook nhiều nhất. Theo con số mà Facebook ước tính, Việt Nam có 427.466 tài khoản bị hãng Cambridge Analytica sử dụng dữ liệu phục vụ cho cuộc bầu cử Mỹ".

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/4/2018.

Quy hoạch tổng thể di tích quốc gia chùa Vĩnh Nghiêm

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm xác định đầy đủ giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của chùa Vĩnh Nghiêm, góp phần làm sáng tỏ thêm giá trị lịch sử, văn hóa của di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và xác định phương hướng bảo tồn di tích, di vật, bảo vật và di sản văn hóa phi vật thể, không gian lịch sử, văn hóa gắn với di tích và cảnh quan, môi trường xung quanh nhằm đưa chùa Vĩnh Nghiêm thành trung tâm văn hóa, tín ngưỡng gắn với Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử; kết nối chùa Vĩnh Nghiêm với các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Bắc Giang và đặc biệt là quần thể di tích vùng Yên Tử để tạo thành một sản phẩm du lịch văn hóa phong phú.

Đồng thời, xác định ranh giới bảo vệ di tích làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới di tích; chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích; định hướng kế hoạch, lộ trình và nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Quy hoạch là căn cứ pháp lý cho công tác quản lý và triển khai các dự án thành phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo đồ án quy hoạch được duyệt; xây dựng các quy định quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực di tích, các giải pháp quản lý và bảo vệ di tích.

Theo quy hoạch, Chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang là một trong những trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và là nơi lưu giữ mộc bản, di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ khu vực bảo vệ I và bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Vĩnh Nghiêm có diện tích 2,04527 ha, trong đó diện tích khu vực bảo vệ I là 0,90678 ha, diện tích khu vực bảo vệ II là 1,13849 ha.

Phần đất mở rộng nằm liền kề di tích, gồm: Khuôn viên di tích chùa Vĩnh Nghiêm mới được mở rộng về phía Đông; đất dân cư thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên; đất bãi ven sông Lục Nam; đất các công trình hạ tầng kỹ thuật; đất nông nghiệp (chủ yếu là đất ruộng xen kẹt).

Nội dung nhiệm vụ Quy hoạch chủ yếu gồm: Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; xác định các vấn đề trọng tâm, các vấn đề cần ưu tiên giải quyết; xác định quan điểm, mục tiêu (dài hạn và ngắn hạn) của quy hoạch tổng thể di tích; dự báo phát triển và các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của khu vực; định hướng quy hoạch bảo tồn, bảo quản và phát huy giá trị di tích...

Chuyển đổi hình thức đầu tư cầu Cửa Hội

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh từ hình thức đầu tư BOT sang hình thức đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện các thủ tục triển khai dự án theo đúng quy định; thống nhất với 2 tỉnh về tiến độ bố trí từng nguồn vốn, bảo đảm quản lý sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả và tiến độ triển khai dự án.

Dự án xây dựng công trình cầu Cửa Hội với tổng mức đầu tư khoảng 1.050 tỷ đồng. Tổng chiều dài cầu khoảng 6,2 km, trong đó phần cầu dài 1,63 km, phần đường dẫn 2 đầu cầu dài 4,57 km; bề rộng cầu = 12m với 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và gờ lan can.

Công trình hoàn thành sẽ kết nối, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là kinh tế biển và du lịch, bảo đảm quốc phòng an ninh các tỉnh khu vực miền Trung nói chung và hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng; góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh, cải thiện hệ thống giao thông giữa hai bờ sông Lam, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Bắc Trung Bộ.

Thủ tướng đôn đốc chuẩn bị tổ chức các hội nghị chuyên đề năm 2018

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp đôn đốc công tác chuẩn bị các hội nghị chuyên đề năm 2018.

Về các hội nghị tổ chức trong tháng 4/2018, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì và phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản. Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu dự kiến vào ngày 23/4/2018. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo.

Về các hội nghị tổ chức trong tháng 5 và 6/2018, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức 1 hội nghị chung về chính sách phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó có các chuyên đề cụ thể của từng ngành, lĩnh vực trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.

Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại trong tháng 5 năm 2018. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị về giải pháp tích tụ, tập trung đất đai đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong tháng 5/2018. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức Hội nghị về giải pháp thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vào tháng 5 tại tỉnh Lâm Đồng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2018 về việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (lần 3), trong đó có chuyên đề về doanh nghiệp Nhà nước và chuyên đề về kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Nhà nước Đảng lần thứ 5 khóa XII thay cho Hội nghị về đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị về phát triển hạ tầng xã hội tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp trong tháng 6/2018. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo và chủ trì Hội nghị.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị về giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong tháng 6/2018. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo.

Các bộ được phân công, đặc biệt là các bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo công tác tổ chức, bảo đảm chu đáo, hiệu quả, thiết thực. Nội dung hội nghị phải đạt được tinh thần đổi mới, nhận diện rõ những cơ hội và thách thức, bao quát đầy đủ các mặt, có tính khoa học, có định hướng, kiến nghị, giải pháp cụ thể. Sau hội nghị phải đề xuất ban hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo những vấn đề cụ thể, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, tạo được khí thế mới, xu hướng phát triển mới, thúc đẩy sáng tạo, chủ động, phân công, phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, cơ sở.

Điều chỉnh cơ cấu cổ phần Công ty mẹ-Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 421/QĐ-TTg điều chỉnh cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu của Công ty mẹ-Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Theo đó, điều chỉnh cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu quy định tại Mục b Khoản 4 Điều 1 Quyết định số 2090/QĐ-TTg ngày 26/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần Công ty mẹ-Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Cụ thể, tổng số cổ phần là 4 tỷ cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng, trong đó: Cổ phần Nhà nước là 3.870.842.819 cổ phần, chiếm 96,77% vốn điều lệ (quy định cũ 75% vốn điều lệ); 28.813.371 cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, chiếm 0,72% vốn điều lệ; 726.250 cổ phần bán cho tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, chiếm 0,02% vốn điều lệ; cổ phần của các cổ đông khác là 99.617.560 cổ phần, chiếm 2,49% vốn điều lệ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và người đại diện phần vốn Nhà nước tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có trách nhiệm bổ sung vào dự thảo Điều lệ để thông qua Đại hội đồng cổ đông lần đầu về quyền bán tiếp phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần sau khi công ty cổ phần đã chính thức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp theo phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chuẩn bị, tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần và thực hiện đăng ký doanh nghiệp, đồng thời thực hiện các thủ tục niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Hoàn thiện các quy định về bảo hiểm y tế

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Bộ Y tế.

Thông báo kết luận nêu rõ, quản lý công tác khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, giá dịch vụ y tế, giá thuốc, vật tư y tế là các vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đại bộ phận nhân dân, của người kinh doanh, cơ sở khám, chữa bệnh, ảnh hưởng đến khả năng chi trả, đồng chi trả của người dân; không chỉ là vấn đề trong nước mà còn là hội nhập quốc tế.

Thời gian vừa qua ngành y tế đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, tiên phong đi đầu về giá dịch vụ và đạt được nhiều kết quả. Chính phủ cơ bản tán thành quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế; mặc dù đã có những tiến bộ, nhưng so với yêu cầu phục vụ nhân dân vẫn còn khoảng cách; hệ thống pháp luật về y tế còn chưa đồng bộ; việc xây dựng, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những vấn đề chưa đủ rõ, còn “vùng xám”.

Về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, để hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ với nguyên tắc bảo đảm hài hòa quyền lợi của tất cả các bên (người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội); việc đưa ra chính sách phải căn cứ vào khả năng của các bên liên quan và thực lực của nền kinh tế; không vì quyền lợi riêng của các bộ, ngành. Việc điều chỉnh mệnh giá bảo hiểm y tế cần cân nhắc khả năng bảo đảm của ngân sách Nhà nước, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP, sớm trình Chính phủ.

Phó Thủ tướng đồng ý sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế-Tài chính quy định mức giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất giữa các hạng bệnh viện trong toàn quốc. Việc sửa đổi, bổ sung cần chia 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, Bộ Y tế chịu trách nhiệm thống nhất với các cơ quan về các nội dung cần sớm được sửa đổi để bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả các bên tham gia bảo hiểm y tế. Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện để ban hành theo thẩm quyền trước ngày 15/5/2018.

Giai đoạn 2, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2018 về lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung giai đoạn 2 (bao gồm kế hoạch khảo sát tổng thể trong nước, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước) để xây dựng giá dịch vụ y tế theo hướng phân loại để giảm bớt số lượng giá dịch vụ y tế hiện nay (trên 18 nghìn dịch vụ), sắp xếp lại theo nguyên tắc thuận lợi cho quản lý, dễ thực hiện cho các cơ sở y tế và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế; làm căn cứ để ban hành định mức, xây dựng giá của các dịch vụ này.

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế bảo đảm nguyên tắc thị trường

Đối với lộ trình, kịch bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế 2018-2020, Phó Thủ tướng giao Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đánh giá tình hình, xây dựng lộ trình, kịch bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế bảo đảm nguyên tắc thị trường, giảm dần sự bao cấp của Nhà nước, phù hợp với khả năng chi trả của người dân và ngân sách.

Về đàm phán giá thuốc, Bộ Y tế cần khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện đầy đủ các căn cứ pháp lý theo thẩm quyền được giao tại Luật Đấu thầu để bảo đảm hành lang pháp lý chặt chẽ trước khi tiến hành đàm phán giá.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá lại sự phù hợp của các quy định pháp luật (giữa Thông tư, Nghị định so với Luật), làm rõ các vấn đề cần bổ sung, sửa đổi (nếu có) trên tinh thần Luật quy định chi tiết, mạch lạc, bảo đảm công khai, minh bạch, rõ thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm, mang lại lợi ích cao nhất (hài hòa lợi ích) cho cả Nhà nước, cơ sở khám, chữa bệnh, người bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trên cơ sở kết quả đấu thầu thuốc năm 2017 của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, năm 2018 tiếp tục thực hiện đấu thầu tập trung tại Bộ Y tế và tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Về đấu thầu vật tư, thiết bị y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, đặt chất lượng lên hàng đầu với giá hợp lý, sức khỏe bệnh nhân là quan trọng nhất. Bộ Y tế cần tăng cường chỉ đạo, rà soát, chấn chỉnh công tác đấu thầu của các địa phương.

Trên cơ sở các loại thiết bị, vật tư y tế theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương án đấu thầu tập trung thiết bị y tế (trước mắt thực hiện trong phạm vi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế), báo cáo Chính phủ vào kỳ họp tháng 5/2018./.