In bài viết

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư

(Chinhphu.vn) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp nhằm cải thiện, nâng cao sức cạnh của môi trường kinh doanh Việt Nam.

25/06/2019 15:51

 

Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù đã có nhiều cải cách theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh nhưng một số quy định của Luật Đầu tư còn thiếu tính khả thi, minh bạch và hiệu quả; cụ thể là: Quy định của Luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn một số nội dung chưa đầy đủ, dẫn đến cách hiểu không thống nhất trong quá trình thực hiện; chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ việc đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để bảo đảm tuân thủ nguyên tắc quy định tại Khoản 1 và 3 Điều 7 của Luật.

Các lĩnh vực, ngành, nghề ưu đãi đầu tư còn dàn trải, thiếu tính chọn lọc. Các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đầu tư và các Luật có liên quan đã dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý, cơ quan thẩm định, phê duyệt, đồng thời không có sự kế thừa, công nhận kết quả của nhau.

Sửa đổi 30 điều, bổ sung 03 điều của Luật Đầu tư

Dự thảo Luật này sửa đổi 30 điều, bổ sung 03 điều của Luật Đầu tư. Theo đó, những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư được phân thành các nhóm sau đây:

Nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: Bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với dịch vụ này, hạn chế tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động đòi nợ thuê gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.

Bãi bỏ 17 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 6 ngành, nghề và bổ sung 3 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

Nhóm các quy định về ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư: Bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để bảo đảm hiệu quả, chất lượng của việc thực hiện chính sách này (như: áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ; nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật; không được bảo đảm ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 13 Luật Đầu tư trong trường hợp ưu đãi đầu tư được cấp hoặc kê khai trái quy định của pháp luật…). Bổ sung điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư đối với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên để thống nhất với điều kiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nhóm các quy định về đầu tư nước ngoài: Trên cơ sở những mục tiêu, quan điểm, giải pháp quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài theo Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Dự thảo Luật này đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:

Một là, bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ. Danh mục này bao gồm: Ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường; ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện.  Ngoài Danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.

Hai là, sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN theo hướng: Không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ khởi nghiệp sáng tạo nhằm áp dụng thủ tục thuận lợi, đơn giản nhất phù hợp với những yêu cầu đặc thù trong hoạt động mô hình kinh doanh mới đầu tư dựa trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ…

Bổ sung quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (gồm các điều kiện: không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; bảo đảm phù hợp với quy hoạch; đáp ứng các tiêu chí, định mức về sử dụng đất đai, lao động...). 

Bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

LP