In bài viết

Bến đỗ bình yên của người già có công

(Chinhphu.vn) - Trung tâm phụng dưỡng người có công với cách mạng của TP. Đà Nẵng là bến đỗ chứa chan tình người cho các cụ trong những năm tháng tuổi già sức yếu, lại gánh chịu nhiều di chứng từ hậu quả chiến tranh.

26/07/2021 08:33
Những “tay kéo biên phòng” cắt tóc cho các cụ - Ảnh: VGP/Minh Trang

Sáng cuối tuần, tại khoảnh sân của Trung tâm phụng dưỡng người có công với cách mạng TP. Đà Nẵng, những người lính biên phòng đồn Non Nước trổ tài làm “thợ cắt tóc” cho các cụ ông, cụ bà tại Trung tâm. 

Cụ Huỳnh Đăng Chúc (91 tuổi), với mái tóc mới, cười nói: “Hôm nay có các chú biên phòng tới, vừa được cắt tóc mới, lại có người chuyện trò cùng, vui lắm. Mọi năm 27/7 không có dịch, anh em tổ chức cho tụi tui nhiều hoạt động rôm rả lắm, ca hát văn nghệ tri ân… Giờ phải giữ gìn kỹ càng, nhưng các đơn vị cũng gửi quà, thăm hỏi động viên, như thế ấm lòng lắm rồi”.

Đồn Biên phòng Hải Vân và các đơn vị dọn vệ sinh tại các khu di tích. Ảnh: VGP/Minh Trang

Cặm cụi tlàm “thợ cắt tóc” cả buổi sáng, Thiếu tá Võ Minh Phúc, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Non Nước chia sẻ: “Năm nay, dù dịch bệnh căng thẳng, chúng tôi vẫn cố gắng sắp xếp tổ chức một số hoạt động, bao gồm cắt tóc cho các cụ tại Trung tâm phụng dưỡng người có công, thăm nom Mẹ VNAH do Đồn phụng dưỡng; xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách, chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang, khuôn viên, phần mộ anh hùng liệt sĩ…”

Thượng úy Mai Thanh Tài, Trợ lý Công tác quần chúng Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng, cho biết thêm, dịp này, ngoài tổ chức chương trình Tay kéo biên phòng tại Trung tâm phụng dưỡng người có công với cách mạng, BĐBP Thành phố tổ chức đi thăm 7 bà Mẹ VNAH được các Đồn Biên phòng phụng dưỡng. Bên cạnh đó, phối hợp với đoàn viên thanh niên các đơn vị ra quân 8 buổi dọn vệ sinh, dâng hương và thắp nến tri ân tại các bia tưởng niệm, di tích, nghĩa trang liệt sĩ và dâng hương cho các liệt sĩ nguyên là cán bộ biên phòng hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ...

Các y bác sĩ khám, kê thuốc định kỳ cho các cụ tại Trung tâm. Ảnh: VGP/Minh Trang

Điểm tựa những ngày cuối đời

Đã gắn bó với Trung tâm được hơn 1 năm và cũng thuộc Ban đại diện người có công giám sát công tác chăm lo các cụ, bà Lương Thị Lợi (83 tuổi), thương binh hạng ¾, chia sẻ: “Tôi là lính “Tiểu đoàn bà Thao”, chiến đấu trên nhiều mặt trận Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Đường 9 Nam Lào..., bị thương do bom B52 trong một trận chiến tại Quế Sơn (Quảng Nam) và nhiễm chất độc hóa học. Chồng và hai người con đều mất sớm vì di chứng chiến tranh, chỉ còn 1 thân hiu quạnh. Cuối đời vào đây ở, tôi có nơi để nương tựa, có những chiến hữu cùng tâm sự, có các hộ lý chăm sóc mình từng bữa cơm giấc ngủ. Những ngày đau ốm, khuya cũng có cấp cứu chạy chữa tận tình, y bác sĩ đến thăm nom định kỳ… Đây là sự động viên rất lớn trong những năm tháng cuối đời của tôi”.

Là lão thành cách mạng đã hơn 70 năm tuổi Đảng, cụ Huỳnh Đăng Chúc đã gắn bó ở đây từ nhiều năm. Cụ kể: “Do chiến tranh, hai vợ chồng tôi không có con nên vào đây sống đã 5 năm. Các cô, các cháu ở đây như con ruột, cháu ruột của tôi. Các cháu thức khuya dậy sớm, hướng dẫn các cụ từng bài tập trị liệu nâng cao sức khỏe, nhắc nhở từng viên thuốc”.

Chị Phạm Thị Oanh, Giám đốc Trung tâm, cho biết hiện Trung tâm đang phụng dưỡng 55 cụ, trong đó có 1 bà mẹ VNAH, 1 lão thành cách mạng, 1 cán bộ tiền khởi nghĩa, còn lại là thương bệnh binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thân nhân gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng.

“Chế độ chăm sóc cho các cụ ngày càng được nâng lên, hiện mỗi tháng mỗi cụ được hỗ trợ 1,5 triệu/người cho việc ăn uống cùng các chế độ khác theo pháp lệnh ưu đãi người có công. Ngoài ra, Trung ương hỗ trợ kinh phí nâng cao thể trạng để bồi dưỡng thêm nguồn thuốc bổ và chế độ dinh dưỡng. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp với y bác sĩ của Bệnh viện Cổ truyền khám và bổ sung 2 đợt thuốc đông y cho các cụ. Điều kiện cơ sở vật chất dần hoàn thiện và chế độ chăm sóc được chú trọng đã góp phần giúp đơn vị thực hiện nhiệm vụ phục vụ, phụng dưỡng các cụ ngày càng chu đáo hơn”, chị Oanh cho hay.

Các đơn vị thăm hỏi, tặng quà cho các cụ người có công. Ảnh: VGP/Minh Trang

Thời gian vừa qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp, lãnh đạo Trung tâm đã thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới. “Mọi việc ngăn ngừa dịch bệnh, chúng tôi đều phải đi trước 1 bước, từ sắp xếp lại lịch cho thân nhân thăm gặp cho đến công tác cấp dưỡng, đi chợ... Các cụ được bổ sung dinh dưỡng, được cán bộ y tế đo thân nhiệt 2 lần/ngày, duy trì việc cấp phát Vitamin C tăng cường đề kháng, chị Oanh cho biết.

Giám đốc Trung tâm trải lòng: "Mình đối xử với các cụ như cha chú mình, chỉ mong các cụ thật khỏe mạnh, để được hưởng những quả ngọt mà ngày xưa các cụ đã đánh đổi bản thân cho hòa bình của đất nước", chị Oanh trải lòng.

Xin khép lại bài ghi chép này bằng bài thơ của một thương binh viết tặng các cán bộ, nhân viên của Trung tâm:

“GỬI YÊU THƯƠNG

Một tuần lễ ở Trung tâm

Bên cạnh các cụ có công với đời

Hiểu ra chính sách tuyệt vời

Của Đảng Chính phủ với người có công

Hai dãy nhà ở song song

Ôm cả các cụ trong vòng yêu thương

Trước nhà biển lớn mênh mông

Sóng vỗ bờ cát gió đông mát lành

Thiên nhiên ban tặng tình thương yêu đời

Trung tâm là những con người

Một lòng một dạ vì người có công

Từ Ban Giám đốc Trung tâm

Vận hành quản lý hanh thông công quyền

Từ Ban hộ lý chuyên cần

Sớm mai chiều tối chăm người có công”

                                                                                                Minh Trang