In bài viết

Thủ đô sau 7 ngày giãn cách

(Chinhphu.vn) - Thay đổi thói quen sống hằng ngày, tập thích ứng với cuộc sống trong thời điểm dịch bệnh, chấp nhận có xáo trộn để "ai ở đâu thì ở yên chỗ đó", theo dõi thông tin chặt chẽ hơn... chính là sự ủng hộ của người dân Hà Nội đối với Chỉ thị 17 của UBND thành phố Hà Nội để phòng, chống dịch COVID-19.

31/07/2021 06:23

Phố Đinh Hoàng trong ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND - Ảnh: VGP/Gia Huy

Thích ứng với cuộc sống

Sáng sớm ngày 27/7, chị Thái Hòa (Tổ 4, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) bắt đầu công việc thường xuyên là đi chợ cho gia đình. Nhưng khác với mọi khi, từ chiều 26/7, phường Đức Thắng đã phát Phiếu kiểm soát phòng chống dịch cho cả 5 người trong gia đình chị. Mỗi gia đình chỉ được cấp một Phiếu, dùng trong trường hợp cho một người ra ngoài khi có việc thật sự cần thiết.

Cầm tờ “phiếu đi đường" này, thay vì tới chợ đầu mối trên địa bàn quận, chị Thái Hòa chỉ có thể đến các chợ trong phạm vi của phường Đức Thắng. Tuy hơi bất tiện nhưng chị Hòa cho biết, sự thắt chặt của chính quyền phường là cần thiết.

"Phường Đức Thắng đã có ca nhiễm và trong tổ dân phố có lác đác các ca F1, F2 nên hạn chế người ra đường là cần thiết cho địa bàn vào lúc này. Trong gia đình tôi, các con được nghỉ học, cơ quan đã thông báo làm việc luân phiên nên tôi sẽ đi chợ một lần cho nhiều ngày tới", chị Hòa cho biết.

Đức Thắng là phường đầu tiên trên địa bàn Hà Nội áp dụng việc kiểm soát, hạn chế người dân ra đường qua việc phát “phiếu đi đường”. Từ ngày 26/7, phường Đức Thắng đã tổ chức phát hơn 2.500 phiếu cho các hộ dân thuộc 8 tổ dân phố trên địa bàn. Từ sáng 28/7, những trường hợp không có phiếu đi đường đi vào khu vực phường Đức Thắng đều được yêu cầu quay về, phiếu chỉ có tác dụng trên địa bàn phường.

Người dân đi chợ tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm - Ảnh: VGP/Gia Huy

Đi chợ - việc thường ngày của mỗi bà nội trợ Thủ đô - cũng có sự thay đổi. Tây Hồ là quận tiên phong của Hà Nội triển khai cấp phiếu đi chợ theo giờ cho người dân trên địa bàn theo ngày chẵn, lẻ và theo khung giờ vào buổi sáng, từ 6h45’ đến 7h45’ và buổi chiều từ 15h30’ đến 16h30’.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, đây mô hình là cần thiết để bảo đảm giãn cách, từ đó yêu cầu các quận, huyện, thị xã nghiên cứu triển khai. Ngành công thương được giao nghiên cứu ban hành một mẫu phiếu thống nhất áp dụng chung trên toàn thành phố. 

Theo dõi thông tin chặt chẽ hơn để phòng dịch

Hơn 23h đêm 23/7, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND, theo đó Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7 trên phạm vi toàn Thành phố.

Đo thân nhiệt cho người dân trước khi vào chợ Nhật Tân. Nhật Tân là phường đầu tiên cấp phiếu đi chợ theo giờ cho người dân trên địa bàn theo ngày chẵn, lẻ và theo khung giờ - Ảnh: VGP/ Gia Huy

Trong 1-2 ngày đầu tiên triển khai Chỉ thị, nhiều người dân theo thói quen sáng sớm hoặc chiều tối đạp xe, chạy bộ, tập thể dục tại nơi công cộng... Trước tình trạng này, lực lượng chức năng các quận, huyện, thị xã đã tăng cường kiểm tra, xử phạt nhằm hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết.

Trong 5 ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, các cơ quan chức năng Thành phố đã xử phạt hành chính số tiền hơn 4,6 tỷ đồng các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch với lý do: Không thực hiện biện pháp cách ly; Tập trung đông người nơi công cộng; Ra khỏi nhà khi không cần thiết; Đeo khẩu trang không đúng quy cách... Đến sáng 30/7, Công an TP. Hà Nội cho biết, so với ngày trước đó, các trường hợp vi phạm đã giảm đáng kể (gần 45%), người dân đã nâng cao ý thức chấp hành Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND Thành phố, hạn chế ra ngoài, tập trung đông người...

Nhờ theo dõi thông tin chặt chẽ hơn, người dân Thủ đô nay đã không còn tình trạng tích trữ thực phẩm quá nhiều. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn Thành phố ổn định, các doanh nghiệp, siêu thị chủ động dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với bình thường, tăng 30% lượng hàng trên các quầy, kệ. Nguồn cung hàng hóa tại các hệ thống phân phối (siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi…) dồi dào, giá cả ổn định. Tại chợ dân sinh, hàng hóa được tiểu thương dự trữ, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá.

Tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố ổn định, các doanh nghiệp, siêu thị chủ động dự trữ hàng hóa gấp 3 lần bình thương - Ảnh: VGP/Gia Huy

Người dân cũng quen và chấp hành với việc ở đầu ngõ, phố xuất hiện các chốt cơ động phòng, chống dịch COVID-19, chuẩn bị đủ giấy tờ, chấp hành việc điều tiết, kiểm tra của lực lượng chức năng. Các quận, huyện, thị xã đã căn cứ tình tình hình thực tế để tổ chức các chốt kiểm soát, bổ sung lực lượng dân phòng, thanh niên, dân quân, tình nguyện tại các chốt cơ động để kiểm soát chặt chẽ việc giãn cách xã hội, không để dịch bệnh lây lan.

Nội dung chính của Chỉ thị số 17/CT-UBND là bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc: “Khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu phải làm chặt chẽ từ gốc, bố trí các chốt kiểm soát từ thôn, xóm; huy động thêm các lực lượng và có phương án chuẩn bị phục vụ dài ngày.

Một người dân không đeo khẩu trang ở phố Đào Tấn, quận Ba Đình sáng 30/7 được lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định - Ảnh: VGP/Thu Cúc

"Đoàn kết đánh bay Corona", “Ở nhà là đoàn kết”, “Ở nhà là yêu nước”… là những câu nói xuất hiện trên mạng xã hội gần đây - những câu nói chỉ xuất hiện ở thời điểm đất nước đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Hôm nay, thứ Bảy (ngày 31/7), Hà Nội bước sang ngày thứ 8 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND. Những mảnh ghép của cuộc sống người dân Thủ đô trong một tuần qua cho thấy người dân đồng tình, ủng hộ những chủ trương, giải pháp, biện pháp mà Chính phủ cũng như TP. Hà Nội đang triển khai để phòng, chống dịch bệnh.

Gia Huy