• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hà Nội: Cần tiếp tục giãn cách để giữ vững thành quả chống dịch

(Chinhphu.vn) - Từ Chỉ thị số 17/CT-UBND đến Công điện số 18/CĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội được ban hành để phòng chống COVID-19, dư luận nhân dân Thủ đô đều rất đồng tình, ủng hộ và nhận thấy rằng, Hà Nội cần thêm thời gian giãn cách để chủ động, có điều kiện bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; đồng thời, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19, thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh” và giữ vững thành quả phòng chống dịch.

14/08/2021 11:49

Ông Lê Văn Dương, Chánh Văn phòng Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Ảnh: VGP/Lan Anh

Nếu không tiếp tục giãn cách sẽ rất dễ lây lan dịch bệnh

Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố bị lây lan mạnh. Theo ông Lê Văn Dương, Chánh Văn phòng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Hà Nội rất cần thêm thời gian giãn cách để chủ động, có điều kiện bóc, tách trường hợp F0 khỏi cộng đồng, kể cả việc phải thực hiện giãn cách trong dịp 2/9. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 để giữ vững thành quả phòng chống dịch. 

Kết quả đạt được trong việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND và Công điện số 18/CĐ-UBND của TP. Hà Nội đã cho thấy tính đúng đắn, kịp thời, hạn chế được rất nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, giúp tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát.

TP. Hà Nội đang áp dụng rất nhiều phương pháp mới, rất sáng tạo, như thiết lập các chốt kiểm soát, “vùng xanh” an toàn, các tổ COVID-19 cộng đồng hoạt động rất hiệu quả. Điều này đang giúp Hà Nội giữ vững thành quả phòng chống dịch và từng bước kiểm soát được các ca nhiễm trên địa bàn.

Khi tiếp tục thực hiện giãn cách, đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với những cách làm và sự hỗ trợ tích cực của Thành phố, người dân sẽ hiểu và ủng hộ chính quyền trong chủ trương này.

Chị Phương Thị Lệ Hạnh (áo hồng)-Quản lý Kinh doanh tại Công ty TNHH Giày Thái Dương - Trưởng nhóm thiện nguyện “Biên cương trong tôi” cùng bạn bè trao lương thực, vật phẩm thiết yếu hỗ trợ nhân dân hai phường Chương Dương và Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: VGP/Lan Anh

Chị Phương Thị Lệ Hạnh, Quản lý Kinh doanh tại Công ty TNHH Giày Thái Dương-Trưởng nhóm thiện nguyện “Biên cương trong tôi” bày tỏ sự ủng hộ chủ trương của TP. Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19. Cùng chung tay vượt qua khó khăn, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch để giúp người dân Thủ đô sớm ổn định cuộc sống trong trạng thái bình thường mới. 

“Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, Hà Nội vẫn phát sinh ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Vì vậy, tôi nghĩ Hà Nội nên tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trong dịp lễ 2/9 bởi ở Việt Nam mỗi dịp lễ tết, thường có nhiều nơi tập trung rất đông người. Trong khi tình trạng dịch bệnh ngày càng lan rộng, người dân Thủ đô nên thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch đã được khuyến cáo, ai ở đâu ở yên đó”, chị Hạnh chia sẻ.

Bác Vũ Ngọc Hoàn (áo trắng) trong ca trực tại chốt Vùng an toàn Xanh của phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

Bác Vũ Ngọc Hoàn, Bí thư Chi bộ 14, Đảng bộ phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân cho biết: Phường Phương Liệt có số dân hơn 22.000 người. Đặc biệt tại Chi bộ 14, 80% cán bộ Đảng viên công tác trong quân ngũ nên việc gương mẫu chấp hành các chỉ  đạo của lãnh đạo Thành phố về việc giãn cách luôn được thực hiện tốt.

 “Chúng tôi nhận thức, hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố đang diễn biến phức tạp; số ca mắc trong cộng đồng vẫn cao và chưa rõ nguồn lây. Vì vậy, chúng tôi tuyên truyền để nhân dân hiểu và đề nghị bà con chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của chính quyền. Chúng tôi cùng với các lực lượng như tổ dân phố, dân quân tự vệ tham gia kiểm soát tại các khu vực tự quản, thành lập “Chốt bảo vệ vùng xanh” do chính khu dân cư, tổ dân phố lập nên để chủ động phòng ngừa dịch ngay khi dịch bệnh chưa xảy ra và phát huy được lực lượng quần chúng”, bác Vũ Ngọc Hoàn cho biết.

Bác Hoàn thông tin thêm: “Những ngày qua, trên địa bàn quận, nhiều chợ truyền thống phải tạm ngưng hoạt động vì dịch COVID-19, chúng tôi phối hợp với các lực lượng hướng dẫn bà con mua hàng tại điểm bán hàng lưu động bình ổn giá ở hồ Con Rùa, phường Phương Liệt. Tại đây, các mặt hàng được niêm yết giá và làm mới mỗi ngày nhằm bảo đảm chất lượng thực phẩm đến tay người dân.”.

Theo bác Hoàn, người dân phường Phương Liệt nói riêng, người dân trên toàn quận Thanh Xuân nói chung hoàn toàn ủng hộ chủ trương, chỉ đạo của Thành phố và các cấp, các ngành. Đời sống người dân luôn được bảo đảm, giá cả hàng hóa ổn định, và quan trọng nhất là được an toàn trong những “vùng xanh” được lập nên để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Hân nhận làm may ngoài giờ trước khi giãn cách xã hội. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Không thể vì bản thân mình mà ảnh hưởng đến cả cộng đồng

Trước đây, ngoài công việc nhân viên vệ sinh tại một chung cư trên địa bàn phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, chị Nguyễn Thị Hân (32 tuổi) tranh thủ nhận thêm việc ngoài giờ tại một xưởng may gần nhà để tăng thêm thu nhập.

Chị Hân tâm sự: "Từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Ban Quản lý chung cư đã quy định các nhân viên vệ sinh thực hiện "3 tại chỗ" để bảo đảm công tác phòng chống dịch. Bởi nếu một nhân viên không may bị nhiễm COVID-19 thì có thể phải cách ly cả bộ phận, thậm chí cả tòa chung cư".

Mặc dù nhà cách nơi làm việc chỉ mấy cây số, lại có 2 con nhỏ, chị Hân có đôi ba lần xin quản lý được về thăm nhà, nhưng sau khi được quản lý giải thích, chị và những nhân viên khác đều nhận thức được việc giãn cách xã hội và "3 tại chỗ" quan trọng như thế nào trong thời điểm này và đối với công việc như của chị.


Hai vợ chồng chị Vũ Hồng Vân cùng nấu ăn trong mùa dịch. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Khác với chị Hân thực hiện “3 tại chỗ” tại cơ sở, chị Vũ Hồng Vân (31 tuổi, quê ở Nam Định), nhân viên kinh doanh trên địa bàn quận Thanh Xuân làm việc theo hình thức 50-50 tại công ty và online tại nhà.

Trước đây, cuộc sống bận rộn khiến nhiều người không có đủ thời gian chăm sóc cho mái ấm gia đình. Nhưng trong những ngày giãn cách toàn xã hội vừa qua, hầu hết các thành viên gia đình đều ở nhà, do đó có nhiều thời gian bên nhau.

Chị Vân chia sẻ: “Mình chỉ ra đường vào những ngày trực ở công ty, khi đi mua thực phẩm ở siêu thị, đi chợ. Giãn cách cũng có nhiều cái bất tiện như hàng quán, công viên, khu vui chơi… bị đóng cửa. Hai tháng nay, gia đình mình cũng chưa về quê được. Giãn cách xã hội là việc bất khả kháng, dù không muốn nhưng mọi người cần tuân thủ để phòng, chống dịch”.

Trước đây chị Vân và chồng thường làm việc rất muộn, 20-21 h tối mới về, nhiều khi không kịp nấu ăn. Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách, gia đình nhỏ của chị Vân lại có nhiều thời gian gần gũi nhau hơn, cùng nhau làm những việc đôi khi nhỏ nhặt mà ngày thường bận rộn không đủ thời gian để làm.

Bà Nguyễn Thanh Hương. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Bà Nguyễn Thanh Hương (60 tuổi, ở tại số 21, ngõ 175/151 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, việc giãn cách toàn Thành phố thời gian qua với nhiều ca nhiễm, nhiều địa điểm có nguy cơ cao về dịch bệnh đã được phát hiện và khoanh vùng để có những biện pháp xử lý hiệu quả, kịp thời, góp phần hạn chế lây lan. Thực tế cho thấy, nhờ cách ly và có những biện pháp xử lý kịp thời, số ca nhiễm COVID- 19 ở Hà Nội thời gian qua đang dần được kiểm soát và có xu hướng chững lại, không phát sinh các điểm dịch phức tạp.

Là công dân Thủ đô, bà Hương bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch của các cấp chính quyền thời gian qua; cho biết bản thân bà và gia đình luôn chấp hành tốt các biện pháp phòng chống dịch được các cấp yêu cầu; cho rằng việc thực hiện cách ly cũng phần nào làm ảnh hưởng đến đời sống cũng như sinh hoạt của gia đình nhưng đây là việc nên làm và phải làm trong công tác phòng chống dịch hiện nay. Bà Hương cho biết, nếu chính quyền quyết định có các đợt giãn cách tiếp theo, bản thân bà và gia đình sẽ luôn đồng tình, ủng hộ bởi bà tin tưởng tuyệt đối vào các biện pháp, giải pháp đã được tính toán và cân nhắc rất kỹ trước khi ra quyết định. 

Chị Lê Thị Thủy, giáo viên mầm non dạy tại Trường mầm non xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín cũng chia sẻ: Sau những tuần giãn cách xã hội, người dân đang dần thích nghi với việc sinh hoạt, học tập, làm việc tại nhà và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đa số các gia đình đều có người đại diện 2-3 ngày mới tranh thủ ra khỏi nhà để đi chợ, người dân rất ủng hộ chủ trương của Thành phố nhằm siết chặt kỷ luật phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những người ra ngoài không lý do chính đáng, điều này sẽ khiến dịch bệnh khó được khống chế. “Chính vì vậy, tôi cũng như nhiều người dân đều nhận thấy rằng, Hà Nội cần thêm thời gian giãn cách để chủ động, có điều kiện sàng lọc các trường hợp F0 trong cộng đồng, đặc biệt trong dịp 2/9 sắp tới. Đồng thời, cần đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19, giữ vững thành quả phòng chống dịch. Nếu không tiếp tục thực hiện giãn cách, sẽ rất dễ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng”.

Nhóm PV