• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tết ấm đến với đồng bào Rục

(Chinhphu.vn) - Nhờ các dự án, chính sách bảo tồn tộc người Rục, cuộc sống của đồng bào Rục (tỉnh Quảng Bình) khởi sắc từng ngày.

17/02/2015 12:12

Cuộc sống của đồng bào Rục đã đổi mới từ những con đường bê tông, điện lưới đã kéo vào bản, những dãy nhà khang trang. Ảnh: VGP/Minh Trang


Con đường bê tông bằng phẳng vừa hoàn thiện trong năm nay đưa chúng tôi đến thăm dân bản tại 3 thôn Yên Hợp, Óon, Mò O ồ ồ, xã giáp biên Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình.

Ông Đinh Hải Vinh, Bí thư Đảng uỷ xã Thượng Hoá chia sẻ, năm ngoái, con đường hẹp dẫn vào bản Rục rất khó đi, những lúc trời mưa lầy lội thì còn khổ hơn nữa, bao năm xảy ra lũ lụt người dân thôn bản đều bị chia cắt.

Giờ đây, mỗi bản là một bức tranh về sự sung túc với những ngôi nhà bê tông gắn angten tivi, những ngôi trường khang trang, những chiếc xe máy dựng trước mỗi nhà. Bức tranh đó được điểm xuyết bằng màu hồng rực rỡ của những nhánh đào rừng đang bung nở khoe sắc xuân, làm cho bức tranh thêm căng tràn sức sống, sức sống từ một bộ tộc thiểu số được hồi sinh và đổi thay từng ngày.

Cuộc “cách mạng” lúa nước

Buổi sáng cuối tháng Chạp se lạnh nơi biên cương đại ngàn Trường Sơn, tiếng nói tiếng cười rộn ràng trên 10ha đồng lúa nước ngay trước Đồn biên phòng Cà Xèng.

Chị Hồ Thị Páy (42 tuổi, bản Mò O Ồ ồ) cho hay: “Tôi đang làm đất để chuẩn bị cho vụ mới. Theo hướng dẫn của các chú bộ đội, phải làm đất cho thật kỹ để mặt đồng bằng phẳng, nước đổ vào đồng mới có thể chảy đều được. Nhà tôi làm lúa nước được 3 năm rồi, nhờ thế mà mới có cái ăn. Trước kia chỉ biết dựa vào ông rừng, có con gì có trái gì thì săn bắt hái lượm mà ăn, lúc no lúc đói”.

Cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Cà Xèng cùng bà con đồng bào làm lúa nước. Ảnh: VGP/Minh Trang

Thời mới được phát hiện vào năm 1959, người Rục chỉ biết đến săn bắt, hái lượm, sống phụ thuộc vào tự nhiên. Phong tục tập quán vốn chỉ quen với “chặt, đốt, cốt trỉa”, làm nương rẫy khiến họ luôn quanh quẩn với cái đói, cái rét.

Năm 2011, cuộc cách mạng lúa nước đến với đồng bào Rục khiến họ được đổi đời. Dự án trồng lúa nước do Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đề xuất và Đồn biên phòng Cà Xèng trực tiếp triển khai.

Để thực hiện được dự án là cả một công đoạn dài với nhiều thử thách với các cán bộ chiến sĩ đi làm “cách mạng”.

Đại tá Trần Xuân Hường, Đồn trưởng đồn Cà Xèng chia sẻ: “Nếp nghĩ của bà con người Rục đã quen với việc lấy từ núi rừng để ăn, để sống, chứ có ai biết đến cấy trồng là gì. Đưa giống, phân lên, các chiến sĩ đồn Cà Xèng lại xắn quần xuống ruộng giúp cấy trước cho bà con thấy để làm theo. Từng chiến sĩ đến từng đám ruộng, nắm tận tay bà con để hướng dẫn từng đường cày, đường cấy”.

Giờ đây, nhìn những đôi bàn tay của bà con làm đồng thành thạo, Đại tá trần Xuân Hường không giấu được niềm vui: “Vụ mùa đầu tiên được mùa to dân bản mừng lắm. Qua 8 vụ thu hoạch, đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, mỗi vụ đều cho năng suất trung bình từ 35-40 tạ/ha. Người Rục đã thạo lắm việc cày ra đường thẳng, cấy cày lúa đẹp, cầm liềm gặt nhanh tay và hạt lúa đã chất đầy bồ, no ấm đã đến với bà con”.

Cuộc sống khởi sắc, đón Tết ấm no

Để vực dậy bộ tộc Rục, từ năm 2002, Chính phủ đã triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Rục xã Thượng Hoá” với nguồn kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Từ đây, các cấp chính quyền đã nỗ lực cùng chung tay để làm đường nối các bản của đồng bào Rục với trung tâm xã, kéo điện tới từng hộ, xây trường học, trạm y tế. Nhà nước cũng cấp vật dụng, thiết yếu, nhu yếu phẩm, làm nhà ở  cho mỗi hộ dân.

Tỉnh đoàn Quảng Bình trao áo ấm cho các em học sinh vùng cao. Ảnh: VGP/Minh Trang

Ông Đinh Hải Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hóa cho biết, nhờ nguồn vốn từ dự án bảo tồn, cùng một số chương trình, chính sách giảm nghèo của Chính phủ là 30a, 135 và 134, cuộc sống của đồng bào đã dần đủ đầy, không còn ám ảnh với cái đói cái nghèo. Những cố gắng của các cấp, các ngành và đặc biệt là bộ đội biên phòng đã giúp người Rục phát triển từ hơn 30 người lên 500 người hiện nay.

Bên cạnh chăm lo kinh tế, công tác giáo dục cũng được các cấp chính quyền xác định là chìa khoá giúp đồng bào xoá bỏ những tập tục lạc hậu, thay đổi tư duy, xây dựng cuộc sống mới.

Ngôi trường tiểu học và THCS Thượng Hoá trước kia chỉ có vài phòng học đơn sơ, nay đã mở rộng quy mô với 3 điểm trường khang trang với 148 em học sinh, 16 lớp và 35 giáo viên.

Là người đã “cầm tay nắn bút” cho con em người Rục bao năm qua, thầy Nguyễn Hoàng Văn, Chủ tịch công đoàn nhà trường chia sẻ, mỗi con em dân bản như ruột rà đối với thầy cô. Thương nhiều em đi học xa, các thầy các cô đến nhà đón đưa các em đi học. Đến mùa mưa lũ các em phải nghỉ học nhiều, thầy cô lại thay nhau sắp xếp đến từng nhà tranh thủ dạy bù lấy lại kiến thức.

Điều đáng mừng là qua thời gian, hầu hết các lớp tăng dần số lượng, số tiết nghỉ của mỗi em cũng rất thấp. Nhiều  học sinh dần hoàn thành tiểu học, lên THCS, rồi THPT, đậu đại học. Tiêu biểu, có em Hồ Tiến Nam trở thành thầy giáo người Rục đầu tiên quay trở về làm việc cầm tay rèn chữ cho chính con em mình.

“Dẫu vậy, nơi vùng cao hiu hắt này, còn rất nhiều em học sinh phải đi bộ chục cây số để đến trường, thiếu những chiếc áo đủ ấm để đến trường khi gió buốt về. Những chiếc áo ấm, những chiếc xe đạp tuy là những món quà nhỏ nhưng rất có ý nghĩa đối với hoàn cảnh thiếu thốn ở vùng rẻo cao nới đây”, thầy Văn bộc bạch.

Các thầy cô tận tình chỉ bảo con em trường tiểu học và THCS Yên Hợp. Ảnh: VGP/Minh Trang

Để bà con người Rục được đón một cái Tết đầm ấm, các cấp chính quyền đang cùng chung tay chăm lo đời sống của các hộ nghèo, các em học sinh vùng rẻo cao biên cương xa xôi. 

Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình Trần Quốc Tuấn cho biết, chia sẻ cùng các hộ nghèo đồng bào Rục, cũng như các đồng bào khó khăn vùng biên cương, các cấp ngành và doanh nghiêp, nhà hảo tâm đã cùng chung tay quyên tổ chức trao tặng hơn 2.000 suất quà, mỗi suất trị giá 300.000-500.000 đồng, gồm tiền mặt, bánh kẹo gạp, sữa và nhu yếu phẩm... tặng trẻ em hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, tỉnh đoàn Quảng Bình còn tổ chức trao 500 cặp bánh chưng, chăn ấm, áo ấm, dép, đồ dùng học tập tặng học sinh nghèo vùng sâu vùng xa.

Trong cái rét cuối đông, những chuyến hàng “Xuân biên giới, Tết vùng cao” nô nức tiến về vùng bản. Những tấm áo ấm được khoác lên mình các em thơ, những đòn bánh chưng, bánh tét được trao cho đồng bào nghèo. Những ánh mắt, nụ cười lan toả khắp vùng rẻo cao.

Cuộc sống của đồng bào Rục sẽ còn phát triển, sẽ còn đầm ấm hơn nữa.

Minh Trang