In bài viết

Việc miễn, giảm học phí với các đối tượng chính sách

(Chinhphu.vn) - Khẳng định chính sách miễn, giảm học phí mới đã giúp cho người học thuộc các đối tượng chính sách được bình đẳng so với các đối tượng khác đang học tại các cơ sở giáo dục đào tạo, ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giải đáp các câu hỏi liên quan đến nhóm đối tượng này.

08/07/2011 17:01
 >> Bộ GDĐT giải đáp các câu hỏi về miễn, giảm học phí

>> Những địa bàn HSSV được miễn, giảm học phí

 

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bạn Nguyễn Công Hành (conghanh88@...): Xin hỏi ông, tôi là sinh viên lớp 07CDT1 Khoa Cơ khí, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Mẹ tôi tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày từ năm 1972. Theo khoản 1, Điều 4 Nghị định 49/2010/NĐ-CP và Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 thì tôi thuộc diện được miễn học phí. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH lại không đề cập đến đối tượng này, vậy trường hợp của tôi có được miễn học phí không?

Ông Nguyễn Văn Ngữ: Theo quy định tại điểm 1, phần I Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT/BL ĐTBXH-BGDĐT-BTC ngày 20/11/2006 của Liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ về đối tượng áp dụng đã quy định như sau:

- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B.

- Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh hùng Lao động trong kháng chiến; con của liệt sỹ; con của thương binh, con của bệnh binh; con bị dị dạng, dị tật của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Nghị định 49/2010/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH khi hướng dẫn về đối tượng được miễn học phí đối với người có công với cách mạng và con của họ theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 chỉ nhắc lại những nội dung đã được Thông tư liên tịch 16/2006/TTLT/BL ĐTBXH-BGDĐT-BTC hướng dẫn. Trong nội dung hướng dẫn về đối tượng áp dụng của Thông tư liên tịch 16/2006/TTLT/BL ĐTBXH-BGDĐT-BTC không có đối tượng sinh viên Hành hỏi.

Với câu hỏi này, Thông tư liên tịch 16/2006/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BTC nêu trên do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì soạn thảo, vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ gửi câu hỏi của sinh viên Hành đến Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Bạn Vũ Thị Thúy An (v.thuyan.an2012@...): Mẹ tôi đang hưởng chế độ tai nạn lao động, hiện tôi là sinh viên trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. Theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP tôi được giảm 50% học phí. Tuy nhiên, sau khi xin giấy xác nhận của nhà trường, gia đình tôi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang trình bày nhưng không được giải quyết, còn bên bảo hiểm xã hội cho rằng không có văn bản nào quy định nên cũng không giải quyết. Như vậy, những trường hợp như tôi thì sẽ lấy tiền miễn, giảm học phí ở đâu và cần những giấy tờ gì, thưa ông?

Căn cứ theo hướng dẫn ở trên về đối tượng được giảm 50% học phí thì trường hợp của sinh viên An hỏi thuộc diện được giảm 50% học phí. Về thủ tục để được cấp bù tiền học phí sinh viên cần tìm hiểu Thông tư liên tịch 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH để được hướng dẫn cụ thể (Như: đơn đề nghị cấp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí có xác nhận của nhà trường nơi sinh viên đang học; bản sao sổ hưởng trợ cấp hàng tháng do tổ chức bảo hiểm xã hội cấp...).

Chính sách miễn, giảm học phí mới này đã giúp cho người học thuộc các đối tượng chính sách được bình đẳng so với các đối tượng khác đang học tại các cơ sở giáo dục đào tạo

Ông Nguyễn Văn Ngữ:

Cũng theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 3 Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH này đã quy định về phương thức chi trả cho đối tượng được miễn, giảm học phí học chính quy ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập như sau: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện chi trả cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ học sinh, sinh viên có con đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập.

Như vậy, trách nhiệm chi trả là của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau khi sinh viên hoàn thiện đầy đủ hồ sơ thủ tục theo hướng dẫn ở trên và nộp cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi thường trú để được xem xét, giải quyết cấp bù tiền miễn, giảm học phí.

Bạn Trần Thị Thùy Dung (trannguyenthuydung@...): Tôi là người được hưởng chính sách thương binh và được miễn học phí tại trường. Tôi cho việc trường không trực tiếp thực hiện miễn, giảm học phí theo quy định mà chuyển về địa phương sẽ gây thêm thủ tục khó khăn cho sinh viên. Theo tôi cơ quan chức năng có thể xem xét để giảm bớt thủ tục khó khăn trên.

Ông Nguyễn Văn Ngữ: Theo quy định của Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Thông tư liên tịch số 54/1998/TTLT-BGD&ĐT-BTC hướng dẫn thực hiện thu, chi và quản lý học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thì sinh viên Dung sẽ được miễn học phí trực tiếp tại trường.

Tuy nhiên đến năm 2010, thực hiện Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội khoá XII về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, Liên tịch Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch 29/2010/BGDĐT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP.

Với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2010/NĐ-CP, các Bộ ban hành Thông tư liên tịch 29/2010/BGDĐT-BTC-BLĐTBXH đã chuyển từ hình thức cấp ngân sách cho các cơ sở giáo dục và đào tạo để đào tạo học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng chính sách sang hình thức cấp trực tiếp tiền cho người học đối với đối tượng là học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập để các học sinh, sinh viên này nộp học phí đầy đủ cho nhà trường.

Chính sách mới này đã giúp cho người học thuộc các đối tượng chính sách được bình đẳng so với các đối tượng khác đang học tại các cơ sở giáo dục đào tạo.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ban Bạn đọc

>> Bài tiếp: Giải đáp HSSV các vướng mắc về miễn, giảm học phí